Thông tin trên báo Tuổi Trẻ cho hay, liên quan đến tình trạng nắng nóng diện rộng đỉnh điểm trong tháng 6/2019 đang diễn ra ở các tỉnh trên cả nước, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia khẳng định chưa đủ kết luận để khẳng định năm 2019 là năm nóng nhất lịch sử.
"Để đánh giá năm 2019 có phải là một năm nóng nhất trong lịch sử hay không, chúng ta còn phải đợi thêm 6 tháng nữa, khi đó mới có đầy đủ dữ liệu thống kê để có thể trả lời chính xác câu hỏi này", ông Hưởng cho biết.
Tình trạng nắng nóng ở các tỉnh miền Bắc sẽ kéo dài đến hết ngày 13/6. Ảnh: Internet
Theo ông Hưởng, thực tế nắng nóng những tháng đầu của năm 2019 cho thấy nhiệt độ nắng nóng đã tăng cao hơn trước khi nền nhiệt khắp khu vực trên cả nước đều cao hơn so với trung bình từ 1-2 độ.
Theo dẫn chứng của ông Hưởng, tháng 4 vừa qua tại Hương Khê (Hà Tĩnh) đã xảy ra nắng nóng cao nhất trong lịch sử từ trước đến nay ở Việt Nam với nhiệt độ lên tới 43,4 độ C. Cũng trong tháng 4, các tỉnh miền Trung xảy ra nắng nóng gay gắt trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37 - 40 độ C, trong đó tại Tuyên Hóa (Quảng Bình) nhiệt độ cũng lên tới 43 độ C.
Đánh giá về hiện trượng này, ngành khí tượng cho rằng đây chỉ là số liệu về nhiệt độ tháng cao nhất so với cùng kỳ, phải đợi hết mùa nắng nóng 2019 mới có đủ dữ liệu để khẳng định được năm 2019 có phải năm nóng nhất hay không.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết từ ngày 15/5 đến 18/5, khắp các tỉnh Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ cũng đã xảy ra nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao từ 37 - 40 độ C, trong đó nhiệt độ tại khu vực Láng (Hà Nội) cũng lên tới 41,3 độ C - mức nhiệt cao nhất trong tháng 5 kể từ năm 1981 tới nay, thấp sau mức nhiệt 41,8 độ C ngày 4/6/2017.
Trong tháng 5/2019, huyện Mường Tè (Lai Châu) cũng trải qua nắng nóng với nhiệt độ ở mức 41,4 độ C, vượt mức kỷ lục 40,9 độ C vào ngày 3/5/1980.
Theo chia sẻ của ông Hưởng, tình trạng nắng nóng ở miền Bắc sẽ kéo dài đến hết ngày 13/6.