(Tinmoi.vn) Tai nạn từ những chiếc bè mảng vượt sông đã không còn quá xa lạ đối với người dân 3 thôn Pò Lạn, Co Khuyu và Nà Reng xã Quốc Việt, huyện Tràng Định. Biệt lập với xung quanh, kinh tế không phát triển được, nguy hiểm hơn, tử thần luôn rình rập cuộc sống của người dân nơi đây.
Tròng trành những sinh mạng
Dòng sông Kỳ Cùng uốn mình qua nhiều thôn, bản của xã Quốc Việt nên đã bồi đắp cho nơi đây những cánh đồng phì nhiêu, tươi tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển nông nghiệp.
Thế nhưng cũng chính dòng sông này đã chia cắt hoàn toàn 3 thôn Pò Lạn, Co Khuyu và Nà Reng với phần còn lại của xã. Trung tâm xã nằm ở bên này sông, nơi có trường học, có trụ sở ủy ban xã, có trạm y tế, có chợ, có bưu điện… Không có cầu, người dân 3 thôn bên kia sông chỉ còn cách duy nhất là qua sông bằng những chiếc bè mảng tròng trành được ghép lại từ những cây tre. Anh Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng thôn Pò Lạn cho biết: “Từ Pò Lạn sang trung tâm xã gần. Hơn nữa khúc sông chảy qua Pò Lạn có vẻ cũng ‘hiền hòa’ hơn nên các hộ dân đã chọn đây làm bến đò. Gọi là bến đò nhưng thực chất chỉ có vài chiếc bè mảng được ghép bằng mấy cây tre, một sợi dây thừng dài vắt nối 2 bên bờ sông. Quản lý mấy thứ ‘tài sản’ này cũng như là người trực tiếp kéo bè đưa người dân sang bên kia sông hiện nay là gia đình bà Chu Thị Bưởm, người dân thôn Co Khuyu”.
Bà Bưởm cho biết: Trung bình mỗi ngày, gia đình bà chở trên 100 lượt người, phương tiện qua lại khúc sông này.
Bà Bưởm cho biết: 3 thôn bên kia sông có hơn 90 hộ dân sinh sống. Trung bình mỗi ngày, gia đình bà chở trên 100 lượt người, phương tiện qua lại khúc sông này. Có những ngày chợ, ngày lễ dễ có đến vài trăm lượt người qua lại. Không kể sớm tối, cứ lúc nào có người cần sang sông, gia đình bà lại có mặt để chở. Để duy trì hoạt động của bến phà, mỗi năm, gia đình nào có xe máy thì đóng 40kg thóc, không có xe máy thì đóng 35kg thóc. Biệt lập với bên ngoài và chỉ còn cách vượt sông bằng những chiếc bè mảng đã làm hạn chế rất nhiều sự phát triển kinh tế. Thế nhưng đáng lo hơn chính là việc những tai nạn luôn rình rập người dân mỗi khi đi trên những chiếc bè mảng không an toàn này.
“Tử thần” rình rập
Nhớ lại cái chết của một chiến sĩ công an khi vào thăm người thân ở một thôn bên kia sông, bà Bưởm vẫn không khỏi rùng mình. Bà kể lại: “Cũng hơn chục năm rồi, ngày đó gia đình bà chưa làm chủ đò nhưng bà cũng thường xuyên kéo bè để sang bên kia sông. Hôm đó, sau khi thăm người thân xong, anh công an tự kéo bè để qua sông. Thế nhưng do gặp dòng nước xiết, cộng với việc có thể chưa quen với việc kéo bè nên đã khiến anh bị ngã xuống sông dẫn đến tử vong. Kể từ đó đến nay, rất may là bến đò chưa xảy ra vụ tai nại dẫn đến chết người nào, thế nhưng những tai nạn như rơi xuống sông hay bè bị hất quay bốn phía chẳng có gì xa lạ. Có những trường hợp rơi xuống sông suýt chết đuối thì lại vướng vào một khúc củi và bám vào được rồi người dân tập trung đến cứu. Người lớn đã nguy hiểm vậy rồi nhưng học sinh đi học còn đáng lo hơn gấp bội bởi mặc dù phần lớn các em biết bơi song dòng nước ở khúc sông này chảy khá mạnh, một số em vẫn còn chủ quan, nô đùa trên bè nên đã có không ít học sinh bị ngã xuống sông nhưng cũng rất may mắn là đều được cứu kịp thời. Ở bến đò cũng được trang bị áo phao nhưng đã hơn 4 năm chưa thay mới, nhiều chiếc đã hỏng. Học sinh thì cũng được thiết kế những chiếc cặp kèm phao nhưng việc đeo theo đúng kỹ thuật cũng chưa được thực hiện nghiêm túc”.
Nguy hiểm luôn rình rập người dân khi qua sông.
Không chỉ người rơi mà ngay cả vật nuôi, xe máy cũng thường xuyên rơi xuống sông. Ông Phan Văn Toàn, thôn Pò Lạn chia sẻ: “Chỉ trong một thời gian ngắn, chừng vài tháng, do gặp nước chảy mạnh, bè tròng trành, mất thăng bằng nên ông đã 2 lần bị rơi xe máy xuống sông. Người rơi xuống nếu biết bơi còn chủ động bơi vào bè hoặc bơi vào bờ được chứ xe máy rơi xuống thì đúng là ‘cực chẳng đã’ bởi để vớt được chiếc xe máy lên không chỉ mất công mà còn mất khá nhiều tiền. Ví như lần gần đây nhất ông bị rơi xe đã phải dùng tới móc câu để tìm vị trí rồi kéo lên nhưng rồi cũng không được bởi vị trí xe rơi ở điểm sâu của sông lên tới 8m. Vậy là ông phải thuê thợ lặn xuống để tìm cách đưa xe lên. Toàn là chỗ thân quen nhưng do quá vất vả, nguy hiểm nên khi trục vớt được xe lên, ông cũng phải mất vài trăm ngàn cho thợ lặn rồi tiền mua dụng cụ. Đến khi xe lên tới bờ rồi thì lại mất thêm một khoản nữa để sửa chữa lại xe. Tất cả đấy chỉ là câu chuyện của mùa khô, còn với mùa mưa lũ, những hộ dân này gần như biệt lập hoàn toàn với bên ngoài. Người dân 3 thôn bên kia sông vốn đã nghèo lại vướng phải những hoàn cảnh éo le, và có lẽ không phải nói thì hơn 90 hộ dân đó cũng hiểu rằng, khó khăn nhất vẫn là không có cây cầu”.
Cần lắm một cây cầu
Do không có cầu, từ sinh hoạt hàng ngày đến hoạt động giao lưu buôn bán của hơn 90 hộ dân bên kia sông đều vô cùng khó khăn. Chị Đoàn Kim Loan, Chủ tịch Hội nông dân xã cho biết: “Kinh tế của bà con phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp nhưng do đi lại khó khăn nên sản xuất vẫn chỉ mang tính tự cung, tự cấp và phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nên hiệu quả kinh tế thấp. Không phát triển được kinh tế nên tỉ lệ hộ nghèo của 3 thôn này cũng vào hàng cao nhất nhì ở xã. Thế nhưng cái nghèo đâu đã phải là nỗi lo lớn nhất mà nỗi lo lớn nhất của những hộ dân nơi đây chính là tính mạng của bản thân cũng như con em họ luôn bị rình rập khi phải thường xuyên đi trên những chiếc bè mảng để sang bên kia sông”.
Trở về địa phương với hành trang là chất lính cụ Hồ trong người đâu có ngại khó, ngại khổ nhưng ông Chu Tuấn Hiệp, Chủ tịch hội Cựu chiến binh xã Quốc Việt vẫn không khỏi ngán ngẩm: “Cuộc sống của bản thân gia đình ông cùng những hộ dân khác không chỉ khó khăn mà còn có cả lo sợ. Khó khăn vì không phát triển kinh tế được, còn lo sợ là vì dòng sông càng ngày có vẻ càng trở nên ‘hung dữ’ do dòng chảy không ổn định như trước, rồi đến cả biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan…”
Nhiều đời nay, người dân nơi đây vẫn phải sống chung với hoàn cảnh như vậy, thế nhưng người dân xã Quốc Việt cần lắm một cây cầu, đó không chỉ là tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân 3 thôn bên kia sông mà đó còn là nỗi trăn trở, mong muốn của các cấp ủy đảng, chính quyền xã Quốc Việt. Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ở gần như tất cả các kỳ họp hội đồng nhân dân, tiếp xúc cử tri ở các năm, vấn đề xây cầu cho 3 thôn bên kia sông luôn chiếm phần lớn ý kiến của cử tri và dần dần qua từng năm đã trở thành câu chuyện ‘nói mãi’. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần có sự quan tâm hơn nữa để tránh được những ẩn họa khôn lường đang ngày đêm rình rập cuộc sống người dân nơi đây”.
Đình Quyết – Đức Thuận