Theo tin tức từ báo Lao Động và Người lao động, hồi tháng 5, Bộ LĐ-TB-XH đã bắt đầu lấy ý kiến các bộ, ngành cơ quan và hiệp hội về Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng, áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng trong doanh nghiệp.
Theo đó, mức lương tối thiểu sẽ được đề xuất tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Nếu như dự thảo được thông qua, quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng như sau: Vùng I là 4.680.000 đồng/tháng, vùng II là 4.160.000 đồng/tháng, vùng III là 3.640.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, việc xác định mức điều chỉnh lương tối thiểu nên dựa trên cơ sở tăng 5,3% để đảm bảo đủ mức sống tối thiểu cho người lao động cũng như gia đình họ, đồng thời tăng thêm 0,7% để cải thiện thêm tiền lương cho người lao động.
100% thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia cũng thống nhất và khuyến nghị với Chính phủ điều chỉnh theo mức này.
Mới đây, theo báo PLO, sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương, Bộ LĐ-TB&XH vừa có tờ trình gửi Chính phủ dự thảo nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người làm việc theo hợp đồng.
Bộ LĐ-TB&XH vẫn giữ nguyên đề xuất Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7, với mức điều chỉnh lên bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Theo quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng vào thời điểm trên là rất cần thiết bởi thông thường, lương tối thiểu vùng được xem xét, điều chỉnh sau một năm thực hiện.
Do 2 năm vừa qua dịch Covid-19 bùng phát nên Chính phủ đã duy trì mức lương tối thiểu vùng năm 2019. Hiện tại, mức lương tối thiểu vùng này không còn bảo đảm được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ theo quy định của Bộ luật Lao động.
Hơn nữa, lương tối thiểu vùng tăng 6% vào 1/7 tới đây đã được Hội đồng tiền lương quốc gia phân tích, thương lượng và thống nhất khuyến nghị với Chính phủ.