Nếu như trước đây, bản Pù Hao, xã Mường Lạn của huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La luôn được biết đến là địa bàn nóng trong vấn đề an ninh trật tự thì nay Pù Hao đã khác.
Nhờ những Chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như sự vận động của cán bộ địa phương, vùng đất này đã không còn người bỏ đi theo các đối tượng xấu nữa. Có mặt tại Pù Hao khi những ngày Tết Nguyên đán đã cận kề, chúng tôi mới thấy được sự nhận thức rõ ràng hơn của những người từng có một thời lầm lỗi.
Những ngày lạc lối
Đường vào bản Pù Hao giờ đã dễ đi hơn rất nhiều so với thời điểm cách đây gần 5 năm. Ngày đó, cả bản Pù Hao chẳng có lấy một chiếc xe máy, cả bản chỉ có vài hộ có ti vi. Giờ đây, nhà nào cũng sắm cho mình một "con xe" để đi chợ, hay lên nương, lên rẫy...
Bắt chặt tay những người khách vừa gõ cửa, vẫn cái giọng "lơ lớ" Trưởng bản Giàng Nhịu Dê hoan hỉ thông báo cho chúng tôi: "Lâu lắm mới thấy các nhà báo quay lại, Pù Hao giờ khác lắm rồi, không ai đi theo bọn xấu nữa đâu". Chỉ loáng một cái, con lợn mán gần 20kg đã được nhóm thanh niên trai tráng trong bản chế biến xong và sẵn sàng cho bữa tiệc. Khi khoảng hơn 10 người quây quần bên mâm rượu, nâng chén rượu đầy sóng sánh, ông Dê lại sang sảng: "Giới thiệu với các nhà báo, hôm nay, ngoài tôi ra thì còn có 7, 8 người trước đây bỏ vợ, bỏ con đi theo lời dụ dỗ của bọn phỉ đấy. Nhưng giờ thì khác nhiều, chúng nó đã quay về, chịu khó làm ăn rồi".
Gặp Giàng A Thái (SN 1976) một người đã có thời gian lầm lỗi chậm rãi tâm sự: "Tại mình tin bọn nó quá nên mình mới đi theo chúng thôi". Theo lời Thái kể, mặc cho người dân ở bản la Pù Hao luôn phải sống trong cảnh "chạy ăn từng bữa". Học hết bậc tiểu học ở xã, Thái học lên cao hơn. Với mong muốn lấy cái chữ, học được những kiến thức thiết thực cho cuộc sống sau này, Thái tiếp tục xa cha mẹ, anh chị em, xuống Thái Nguyên để học đại học Nông Lâm... Tưởng như tương lai sẽ rộng mở với chàng trai người Mông này khi chỉ còn một vài tháng nữa là Thái ra trường và đem những kiến thức mà mình đã học được tại giảng đường đưa về bản Pù Hao để hướng dẫn cho bà con dân bản thoát nghèo. Nhưng những lời hứa đầy rẫy kim tiền đã làm Thái lóa mắt. Thái chẳng còn nhận biết được thế nào là đúng sai, vội vàng bỏ đi tất cả. Những lời khuyên can cũng chẳng còn nghĩa lý gì khi Thái quyết chí ra đi cùng với 6 thanh niên khác của bản là Pù Hao Giàng Dua Pó, Giàng Va Pó, Giàng A Phổng, Giàng A Của, Giàng Nỏ Mua, Giàng A Ly luồn rừng, lội suối tìm sang Pa Hốc, huyện Sầm Na, Lào tìm gặp vua Mèo.
Bộ đội biên phòng thường xuyên đến thăm hỏi, giao lưu với bà con Pù Hao.
Nhưng những viễn cảnh mà nhóm người lạ vẽ ra trước mắt Thái và đám trai bản đã không diễn ra. Hàng tháng trời, họ phải luồn rừng trong sự đói khổ và sợ hãi. Không chỉ có thế, họ còn bị giam cầm, dọa nạt, đánh đập, thậm chí vài ngày mới cho ăn. Không còn cách nào khác, Thái và 6 người bạn đành phải ở lại. Một lần, Thái và một số người bị sai đi cướp vũ khí, lương thực ở huyện Sầm Na (Lào). Hành động bị lộ tẩy, Thái và mọi người bị truy đuổi. Lẩn trốn, ăn khe, nằm rừng nhưng bọn Thái vẫn bị khống chế. Lợi dụng sơ hở của bọn chúng, 7 thanh niên người Mông ở bản Pù Hao trong đó có Thái, đã tìm đường bỏ trốn.
Tìm được về bản Pù Hao nhưng những lời đe dọa của đám thổ phỉ vẫn cứ văng vẳng bên tai: "Chúng mày mà về thì bộ đội Biên phòng sẽ bắn chết, hoặc sẽ bắt chúng mày thành con trâu, con ngựa mà thôi...".
Chính vì thế, Thái chỉ dám quanh quẩn trong rừng mà không dám về nhà. Cứ nhìn thấy bộ đội, thấy người trong bản là Thái lại bỏ chạy trối chết. Trong thời gian sống chui lủi như vậy, Thái đã đi trộm cắp và bị bắn. Vết thương vào phần mềm nhưng do không giữ vệ sinh nên Thái đã bị nhiễm trùng. Không còn cách nào khác, Thái đành phải mò về bản. Nhưng rất may cho Thái, là đã được dân bản và bộ đội Đồn biên phòng 453 cứu giúp, mặc dù trang thiết bị y tế không thể đầy đủ được như ở bệnh viện.
Ấm lòng những mảnh đời từng một thời lầm lỗi
Cùng có mặt trong nhà Trưởng bản Giàng Nhịu Dê, anh Nguyễn Hữu Thắng, nguyên Trạm trưởng Biên phòng Pù Hao và cũng là người luôn đi sâu, đi sát vận động bà con cho biết: "Người Mông ở đây không còn nghe theo lời xúi bậy của kẻ xấu nữa. Không chỉ có thế, sau khi trở về địa phương, những người đi cùng với Thái đã được chính quyền, bộ đội Biên phòng và dân bản quan tâm nên họ đã hiểu ra vấn đề. Không chỉ có thế, giờ họ còn thi đua nhau trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình".
Đúng như lời anh Thắng nói, trường hợp của Giàng A Của là một ví dụ. Trước đây nhà Của rất nghèo, lại ít học nên Của đã đi theo bọn xấu. Từ khi về bản, được sự giúp đỡ của chính quyền, cộng đồng Của đã vượt qua được mặc cảm. Nhờ lao động tích cực và được giúp vốn trong làm ăn nên hiện tại gia đình Của đã khá lên trông thấy. Con cái được đến trường, trâu bò, lợn gà đầy chuồng.
Một trong những trò chơi mà người Mông ở Pù Hao hay chơi mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Còn với Thái những kiến thức học ở đại học Nông Lâm đã được anh vận dụng vào phát triển kinh tế. Không những thế, Thái còn truyền đạt lại cho bà con trong bản mình. Chỉ vào người phụ nữ ngồi bên cạnh mình, Thái hoan hỉ thông báo: "Vợ mình đấy nhà báo ạ! Cô ấy đẻ cho mình ba đứa con rồi. Vợ chồng mình sẽ không đẻ nhiều nữa đâu mà cố gắng xây dựng kinh tế gia đình để chăm nuôi cho chúng nó thôi. Phải cho chúng ăn học đầy đủ để làm giàu chứ nhà báo nhỉ?".
Tàn cuộc rượu khi thời gian đã về chiều, trên đường dẫn chúng tôi đến nhà hai chị Vàng Thị Lầu và Sùng Dạ Mỷ, Trưởng bản Dê tâm sự: "Không phải ai cũng may mắn như bọn thằng Thái, Của đâu. Hai thằng Giàng Nỏ Mua và Giàng A Của là chồng của Lầu, Mỷ đã bị bọn chúng bắn chết khi tìm đường trở về bản đấy. Chồng chúng nó chết, con cái nheo nhóc đói khổ, nhưng nhờ bà con dân bản giúp đỡ thì nay đã khác đi nhiều lắm rồi".
Chị Lầu tâm sự với chúng tôi: "Trước, toàn phải ăn cơm độn sắn và cá khô nhưng giờ thì khác rồi. Hơn nữa, gần đến tết, cán bộ lại đến cho gạo, cho tiền để trang trải thêm. Giá như anh Mua đừng đi tìm vua Mèo thì có phải là tốt hơn không?"...
Những nụ đào đang đợi khoe sắc vào đúng thời điểm trời đất giao thời. Quanh quẩn một vòng Pù Hao, chúng tôi nhận thấy người dân nơi đây đang hối hả chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên đán. Vừa băm cây chuối cho đàn lợn ăn, chị Giàng Mí Pho, một người dân ở bản Pù Hao nói với chúng tôi: "Tết gần đến rồi phải vỗ béo cho chúng, để khi bán về dưới xuôi thì mới được giá". Nghe chị nói, tôi hiểu người dân Pù Hao giờ đã khác xưa nhiều lắm, họ không còn ngu muội nữa, thay vào đó là sự nhạy bén và am hiểu pháp luật...
Theo báo Đời sống và Pháp luật