Mới đây, nhật ký cách ly của bạn Đặng Ngọc Ánh, một nữ du học sinh Đức vừa trở về Việt Nam hôm 20/3 và đang cách ly tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội), đang được Cộng đồng mạng chia sẻ nhiều trên mạng xã hội.
Tâm sự của nữ du học sinh là một ví dụ điển hình về tinh thần trách nhiệm đối với sức khoẻ của bản thân và sự an toàn của cộng đồng.
Mở đầu những dòng chia sẻ, Ngọc Ánh viết: "Đầu tiên em xin cúi đầu xin lỗi Tổ quốc, xin lỗi mọi người vì bản thân em là người chọn cách quay về Việt Nam giữa tâm dịch đang có những biến đổi khó lường. Chính em là người hiện tại đang là gánh nặng của Tổ quốc".
Ngọc Ánh cho biết nhóm bạn cảm thấy may mắn khi được trở về, dù biết trước sẽ bị cách ly 14 ngày. Nhưng ngay thời điểm bước xuống sân bay Nội Bài, các bạn đã bắt đầu cảm nhận được sự lộn xộn đến từ một số người trở về.
Khi đọc thông tin về ý thức của một số người từ nước ngoài trở về tại các khu cách ly, Ánh và các bạn cùng phòng ít nhiều cảm thấy thất vọng.
Trở về Việt Nam vào hôm 20/3, Ngọc Ánh cùng những người khác đã được đưa đến cách ly tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp. Theo quan sát của cô nàng "mọi thứ thực sự rất rất tốt, các chú bộ đội chuẩn bị cho mọi người cơm ăn đầy đủ" và bạn thực sự biết ơn vì điều này.
Về những tin tức trên mạng phản ánh những hình ảnh không đẹp về một số Việt kiều từ nước ngoài về Việt Nam, Ngọc Ánh cho biết: "Chính em chứng kiến cảnh nhộn nhạo đó, em thực sự rất thất vọng". Có những đòi hỏi quá đáng, nói thô tục, nặng nề, không tuân thủ quy định khiến nhiều người khó chịu. Những người làm nhiệm vụ, dù khá mệt mỏi, đều không phàn nàn, gắt gỏng.
Nữ du học sinh và các bạn cùng phòng cho biết, nhiều người Việt tại nước ngoài không chọn cách quay về hoặc chưa vội về trong thời điểm này để giảm bớt áp lực cho các khu cách ly và lực lượng hỗ trợ tại Việt Nam. Nhưng nếu có những lý do buộc phải quay về, cô mong mỗi người hãy suy nghĩ đến người khác.
Để góp phần thay đổi hình ảnh đó, ngoài chấp hành nghiêm chỉnh yêu cầu từ cơ quan chức năng và những cán bộ, bộ đội, nhân viên tại khu cách ly, Ngọc Ánh và các bạn cùng phòng bắt tay vào hành động.
Cụ thể, các bạn đã tự dọn dẹp vệ sinh và sắp xếp đồ đạc ngay khi nhận phòng, đồng thời, cùng lan toả ý thức đó đối với những người ở các phòng bên. Thậm chí, các bạn còn biến bản thân thành "sao đỏ" để cùng làm mọi việc thật tốt và kêu gọi những người khác trong khu cách ly làm theo để cán bộ không phải nhắc nhở nhiều.
"Sau 14 ngày, những người cách ly sẽ được về với gia đình, ăn ngon, ngủ kỹ nhưng các chú bộ đội, nhân viên y tế vẫn phải ở lại làm việc, không ai thay thế họ cả. Trong thời gian này, mỗi người nhường nhịn, tự vận động một chút sẽ giúp mọi việc đỡ căng thẳng, chính mình cũng sẽ thấy thoải mái hơn", nhóm bạn của Ngọc Ánh nhắn nhủ.
Theo Ngọc Ánh, việc tự vứt rác thải sinh hoạt, tắt điện hành lang tuy là những việc nhỏ nhưng là hành động giúp giảm bớt căng thẳng cho các chú bộ đội.
"Với những cô chú Việt kiều" có biểu hiện thái độ không chuẩn mực, ăn nói khó nghe với bộ đội nhóm của mình đều dùng thái độ kiên quyết và lễ độ để thay các chú bộ đội đáp trả nhằm bảo vệ những sự cố gắng không ngừng nghỉ của các chú bộ đội", nữ du học sinh chia sẻ.
Cũng theo Ngọc Ánh, nhóm bạn của cô nhiều lần xin được làm tình nguyện, hỗ trợ các chú bộ đội hoặc đóng tiền ăn, ở trong thời gian cách ly nhưng đều bị từ chối. Các bạn trẻ không quên nhắn tin ủng hộ quỹ chống dịch Covid-19. Ngoài ra, để giúp mọi người có thêm thời gian nghỉ ngơi, Ánh và các bạn chủ động nhận phòng mình làm nơi tiếp tế cho các phòng cùng tầng.