Nha Mân thuộc xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, Đồng Tháp lâu nay đã nổi tiếng với câu ca dao:
"Gà nào ngon bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân"
Có nhiều câu chuyện mang tính huyền thoại được kể trong dân gian để lý giải về nhan sắc con gái Nha Mân. Trên các trang mạng cũng đăng đầy thông tin về chuyện này. Thế nhưng, đọc xong vẫn thấy... không biết con gái Nha Mân đẹp vì sao (?!).
Cũng có thông tin kể rằng, Trận Rạch Gầm - Xoài Mút diễn ra đêm 19 rạng 20.1.1785, Nguyễn Huệ đánh tan 2 vạn quân Xiêm - Nguyễn. Thua trận, bầu đoàn thê tử của Chúa Nguyễn Ánh chạy về lánh nạn ở rạch Nha Mân (nay thuộc xã Tân Nhuận Đông). Trên đường tháo thân, bị nghĩa quân Tây Sơn truy đuổi gắt gao, Chúa Nguyễn Ánh gạt nước mắt, bỏ lại hàng trăm cung tần mỹ nữ dọc đường, cho lên tá túc ở các làng bên bờ sông Tiền; trong đó có vùng Nha Mân. Những mỹ nhân này sau đó lấy chồng là người địa phương, sinh con đẻ cái. Chính nhờ nguồn gene cung phi mỹ nữ, xứ Nha Mân có nhiều thiếu nữ đẹp.
Thế nhưng, trong sử sách về triều Nguyễn, không hề có ghi chép chi tiết này.
Cũng có ý kiến cho rằng, theo sách Nguyễn Phúc tộc thế phả (gia phả nhà Nguyễn), năm lên 13 tuổi (1774), Chúa Nguyễn Ánh đã bắt đầu “chạy giặc” vào miền Nam khi quân Trịnh tấn công vào Thuận Hóa. Những năm sau đó, cuộc chiến giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn diễn ra ngày càng khốc liệt. Nhiều lần thua trận, bị truy đuổi ráo riết, Chúa Nguyễn Ánh sống lưu lạc khắp nơi. Nếu tính từ lúc Nguyễn Ánh vào Gia Định (1775) cho đến trận Rạch Gầm - Xoài Mút (1785), thì đây là khoảng thời gian Chúa Nguyễn Ánh phải bôn tẩu khắp nơi. Trong hoàn cảnh như vậy, liệu ông có thể lập cho mình “năm thê bảy thiếp”?
Hàng trăm năm qua, ở Nha Mân, dân gian vẫn còn kể về sự tích cô Hai Hiên với màu sắc huyền bí.
Chuyện xảy ra vào năm Mậu Ngọ - niên hiệu Tự Đức thứ 11 (tức năm 1858) tại thôn Phú Nhuận, tổng An Mỹ, huyện An Xuyên, An Giang (nay là ấp Tân Hòa, xã Tân Nhuận Đông). Ông Hương Cả làng Phú Nhuận tên Phạm Văn Cần cưới người vợ tên là Võ Thị Niên, sinh được một người con gái có tên Phạm Thị Liên (thường gọi là cô Hai Liên). Cô Hai Liên càng lớn càng xinh đẹp.
Ngày 25 tháng tám năm Mậu Thìn (1858), cô Hai Liên tròn đôi tám. Một buổi chiều dạo chơi trên bờ sông Nha Mân, bỗng nghe tiếng gọi đò hối hả bên kia sông như có chuyện cần kíp. Động lòng, cô Hai nhảy xuống chèo đò rước bà lão. Đò ra giữa dòng Nha Mân chảy xiết khiến cô chới với té nhào xuống sông. Mọi người tri hô lên, ông Cả hay tin chạy ra vớt con lên thì cô đã tắt hơi. Đau lòng trước cái chết của con gái, ông Cả Cần oán trách cao xanh.
Trong nhà ông từ lâu có thờ bức tượng Quan Công - biểu trưng cho lòng trung cang nghĩa khí. Nghĩ rằng, ngài Quan Công đáng ra phải soi xét công minh không để ông phải mất đi đứa con gái mà ông yêu quý nhất trên đời. Trong cơn phẫn trí, ông Cần nghĩ rằng ngài Quan Công phải được chôn theo con ông để còn phân giải khi Diêm vương phán xét. Thế là ông lấy bức tượng Quan Vân Trường đắp lên thi hài con gái. Kỳ lạ thay, mấy ngày sau, người trong làng cứ đến nhà kể cho ông nghe chuyện thường xuyên gặp cô Hai đi chợ, “quá giang” ghe bầu ra Huế. Những lúc gặp nạn, chỉ có ghe mà cô Hai “quá giang” là an toàn. Từ đó, người Nha Mân lập miếu thờ cô Hai với tên gọi “Cô Hai Hiên”...
Trong truyền thuyết về cô Hai Hiên có xuất hiện giao thoa tín ngưỡng người Hoa và người Việt. Chuyện ông Cả Cần thờ Quan Thánh đế quân chứng tỏ đó là tín ngưỡng người Hoa. Chuyện cô Hai Hiên độ trì ghe bầu đi biển ra Huế giống y chang tín ngưỡng thờ bà Thiên Hậu của người Hoa. Còn người dân đồng bang, tín ngưỡng thờ cô Hai Hiên như trường hợp bà Liễu Hạnh người Việt. Từ những luận cứ trên, có thể đưa ra giả thuyết Nha Mân là vùng đất có cả 3 dân tộc Việt - Hoa - Khmer cộng cư, đã tạo điều kiện sinh ra những cô gái lai 3 dòng máu nên rất đẹp (!?).
Ảnh: Tổng hợp