Một nhóm các nhà khoa học quốc tế do Đại học Cambridge dẫn đầu đã sử dụng những hình ảnh được chụp bởi Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA và Đài thiên văn Chandra X-Ray để khám phá lỗ đen lâu đời nhất từng được quan sát, có niên đại chỉ 400 triệu năm sau Vụ nổ Big Bang.
Trong những phát hiện được công bố ngày 15/1 trên tạp chí Nature , các nhà nghiên cứu lưu ý rằng lỗ đen khổng lồ, có khối lượng gấp vài triệu lần mặt trời, tồn tại quá sớm so với sự hình thành của vũ trụ đến mức nó thách thức các lý thuyết trước đây về sự hình thành hố đen.
Theo các mô hình hiện này, lỗ đen mới được phát hiện phải mất khoảng một tỷ năm để phát triển đến kích thước quan sát được hiện tại. Nhưng các nhà nghiên cứu cho biết vũ trụ 13,7 tỷ năm tuổi vẫn chưa tròn một tỷ năm khi lỗ đen được phát hiện.
Roberto Maiolino, giáo sư tại Phòng thí nghiệm Cavendish của Cambridge và Viện vũ trụ học Kavli, cho biết: “Thấy một lỗ đen khổng lồ như vậy trong vũ trụ vẫn còn nhiều điều bỏ ngỏ, vì vậy chúng ta phải xem xét những cách mà chúng có thể hình thành khác. Các thiên hà sơ khai cực kỳ giàu khí, nên chúng sẽ giống như một bữa tiệc buffet cho các lỗ đen".
Lỗ đen này được tìm thấy trong thiên hà chủ có tên GN-z11. Kích thước của nó cho thấy có thể to lớn bẩm sinh, hoặc nó tiêu thụ vật chất với tốc độ cao gấp 5 lần so với trước đây.
Các nhà nghiên cứu báo cáo GN-z11 là một thiên hà nhỏ gọn, nhỏ hơn Dải Ngân hà khoảng 100 lần, nhưng lỗ đen có khả năng cản trở sự phát triển của nó. Theo báo cáo, khi lỗ đen tiêu thụ quá nhiều khí, nó sẽ đẩy khí đi xa như một cơn gió cực nhanh. “Cơn gió” này có thể ngăn chặn quá trình hình thành sao, dần giết chết thiên hà. Nhưng nó cũng sẽ tự giết chết lỗ đen bằng cách cắt đứt nguồn “thức ăn” của chính mình.