Một nghiên cứu mới nhất phát hiện bỏ bữa sáng có thể gây hại nghiêm trọng đến chức năng nhận thức của bạn.
Kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Changzheng Yuan và Tiến sĩ Dongmei Yu đến từ Đại học Chiết Giang, được công bố trên tạp chí Life Metabolism cho thấy điều đó. Họ tiến hành nghiên cứu 3.342 người tham gia dựa trên cơ sở dữ liệu công khai của Khảo sát Sức khỏe Dinh dưỡng Trung Quốc (CHNS). Tất cả đều là nam giới với độ tuổi trung bình là 62 tuổi. Dữ liệu tập trung vào thói quen ăn uống của mọi người, cụ thể là khi họ đang ăn và những bữa ăn họ có xu hướng bỏ qua, đồng thời tiến hành các bài kiểm tra dựa trên điện thoại liên quan đến các chức năng nhận thức như nhớ lại, đếm và toán học cơ bản.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ăn những bữa theo một lịch trình phân bổ đều là tốt nhất cho sức khỏe nhận thức mặc dù các yếu tố khác nhau về lối sống và sức khỏe có thể ảnh hưởng đến kết quả. Mặt khác, bỏ bữa sáng làm tăng nguy cơ gây hại cho chức năng nhận thức.
"Nghiên cứu này không gây ngạc nhiên và hoàn toàn có ý nghĩa, chủ yếu là vì nó trùng hợp với các nghiên cứu tương tự ở trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên bỏ bữa và cho kết quả giống như vậy", Kiran Campbell, RDN, một chuyên gia dinh dưỡng nói với Eat This.
Campbell lưu ý rằng "bỏ bữa sáng, bất kể lý do là gì, cuối cùng sẽ hoàn toàn phản tác dụng. Cho dù bạn đang vội, không biết ăn gì, hoặc chỉ là không đói vào lúc này thì bỏ bữa sáng vẫn là ý kiến tồi. Ăn một bữa sáng kém chất lượng chỉ có đường đơn (chẳng hạn như một thanh kẹo) có thể có tác động tiêu cực đến chức năng nhận thức".
Chuyên gia dinh dưỡng này giải thích rằng "cơ thể chúng ta dựa vào glucose làm nhiên liệu để giữ cho bộ não hoạt động ở mức tối ưu. Nếu bữa ăn đầu tiên trong ngày của bạn bị bỏ qua hoàn toàn, về cơ bản bạn đang lấy đi nhiên liệu cần thiết cho cơ thể và não bộ tiếp tục và duy trì cho đến khi bạn quyết định ăn".
Đối với việc ăn uống theo một lịch trình phân bổ đều hơn, Campbell nói: "Tôi hướng dẫn bệnh nhân không nên nhịn quá 4-5 giờ kể từ khi thức dậy. Điều này không chỉ ngăn ngừa sự suy giảm chức năng nhận thức và kỹ năng tư duy mà còn để duy trì lượng đường trong máu và trọng lượng cơ thể thích hợp theo thời gian".
Thật vậy, ngoài những lợi ích đối với chức năng nhận thức, Campbell chỉ ra rằng “bỏ bữa có những tác động tiêu cực đến các lĩnh vực khác. Các nghiên cứu chỉ ra rằng bỏ bữa có thể liên quan đến tăng cân và tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa, nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, kháng insulin và tăng nồng độ lipid lúc đói".
Đó là lý do tại sao "mục tiêu của bạn là bắt đầu một ngày với các chất dinh dưỡng mà cơ thể và tâm trí cần để hoạt động bình thường".
(Theo Yahoo News)