Tin mới

Phát hiện vi nhựa ở nơi không tưởng, đe dọa toàn bộ hệ sinh thái

Thứ tư, 24/06/2020, 11:23 (GMT+7)

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những vi nhựa trong cơ thể một trong những loài động vật bị cô lập nhất thế giới.

Các tác giả nghiên cứu cho biết họ đã phát hiện nhựa xâm nhập vào chuỗi thức ăn trên mặt đất tại đảo Nam cực hẻo lánh, điều mà trước đây chưa từng được biết đến. Báo cáo mới nhất đăng trên tạp chí Royal Society Biology Letters tập trung vào một mảnh bọt polystyrene lớn được tìm thấy trên bờ biển đảo King George năm 2016, nằm ở ngoài khơi Nam cực khoảng 120 km.

Đảo King George, một nơi xa xôi, hẻo lánh bậc nhất thế giới. Ảnh: Newsweek

Mảnh nhựa này được bao phủ trong tảo, rêu và địa y, trở thành thức ăn cho một loài động vật không xương sống nhỏ, giống côn trùng gọi là Cryptopygus antarcticus. Đây là một loài bọ đuôi bật (collembolan) được tìm thấy ở Nam Cực và Australia. C.antarcticus chỉ dài khoảng 0,1-0,2 cm và nặng vài microgam. Nó đã thích nghi với điều kiện khắc nghiệt ở Nam cực và tạo thành một phần quan trọng trong mạng lưới thức ăn trên cạn tại khu vực này.

Các nhà khoa học đã phân tích các collembolan họ tìm thấy trên bọt nhựa bằng cách sử dụng kỹ thuật hình ảnh quang phổ hồng ngoại. Kết quả, những mảnh polystyrene nhỏ có kích thước dưới 100 micromet được tìm thấy trong ruột của collembolan. Điều đó cho thấy chúng đã ăn phải những mảnh bọt nhựa.

Điều này rất có ý nghĩa bởi đây là bằng chứng đầu tiên trên thực địa cho thấy vi nhựa đã làm ô nhiễm các loại động vật trên cạn ở Nam Cực, xâm nhập vào chuỗi thức ăn tại một trong những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất hành tinh.

Vi nhựa được tìm thấy trong ruột collembolan. Ảnh: Newsweek

Vi nhựa gây ra những rủi ro tiềm ẩn cho chính collembolan. Nghiên cứu trước đây về các loài bọ đuôi bật khác trên thế giới cho thấy việc tiếp xúc với những vi nhựa có thể dẫn đến sự thay đổi trong quá trình sinh trưởng và sinh sản của chúng. Các vi nhựa có thể đi vào chuỗi thức ăn tại Nam cực khi mà bọ đuôi bật bị các loài sinh vật lớn hơn ăn vào. Những sinh vật ấy lại lần lượt bị các động vật khác ăn... Điều đó có nghĩa là vi nhựa có thể được tích lũy cao hơn trong chuỗi thức ăn và gây nguy hiểm cho toàn bộ hệ sinh thái.

Mặc dù có một số nghiên cứu xem xét về tác động của các loài động vật ăn vi nhựa trong môi trường biển nhưng các kết quả đã bị xáo trộn. Nhiều nhà khoa học vẫn không biết về tác động tiềm tàng đối với hệ sinh thái và môi trường, đặc biệt là vi nhựa có thể vận chuyển chất gây ô nhiễm và mầm bệnh.

Ô nhiễm nhựa có mặt khắp nơi trong thế giới hiện đại. Những mảnh nhựa nhọ được ghi nhận ở khắp các hệ sinh thái trên Trái đất, từ đáy đại dương cho đến đỉnh núi.

Phát hiện mới cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề ô nhiễm nhựa. Những sinh vật nhỏ bé ở nơi xa xôi và khắc nghiệt bậc nhất của thế giới đang chịu hậu quả từ những hoạt động của con người.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news