(Tinmoi.vn) Việc gian lận trong thi cử đã đạt tới "đẳng cấp mới" khi một số thí sinh sử dụng các thiết bị công nghệ cao để thực hiện hành vi quay cóp một cách vô cùng tinh vi và khó bị phát hiện.
Quay bài bằng “bảo bối” đồng hồ công nghệ cao
Trong kì thi đại học năm 2013, nhiều giám thị và thí sinh đã ngỡ ngàng khi một trường hợp quay bài bằng đồng hồ thông minh bị phát hiện và xử lý.
Theo đó, ngày 25/6, một trường hợp sinh viên có hành vi sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong thi cử đã bị phát hiện và chịu kỷ luật tại trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM.
Trong buổi thi kết thúc học kỳ, phát hiện một sinh viên có nhiều biểu hiện nghi vấn khi liên tục nhìn vào tay đang đeo đồng hồ, các giám thị đã kiểm tra, bắt quả tang sinh viên này sử dụng đồng hồ để quay cóp tài liệu. Ngay lập tức, các giám thị đã lập biên bản sinh viên này về hành vi vi phạm quy chế thi.
Theo lời một giám thị, công cụ sinh viên kia dùng để quay bài là một loại đồng hồ thông minh hiện đại. Loại đồng hồ này nhìn giống hệt đồng hồ đeo tay bình thường, thiết kế đơn giản, không có nút bấm và sử dụng màn hình cảm ứng. Với loại đồng hồ này, người dùng còn được hỗ trợ kết nối không dây với điện thoại, có bộ nhớ lưu trữ dung lượng cao, kết nối GPS, Wi-Fi, Bluetooth. Ngoài chức năng dùng để xem giờ, chiếc đồng hồ thông minh trên có thể hiển thị các loại file ảnh, bản text văn bản nên thí sinh đã lợi dụng chức năng này để lưu các tệp tin điện tử có nội dung các bài học rồi sử dụng để quay cóp khi làm bài thi.
Loại đồng hồ thông minh có màn hình cảm ứng, hiển thị được file hình ảnh, văn bản mới được một số thí sinh sử dụng thời gian gần đây để quay cóp bài trong phòng thi. Có người cho rằng, đây thực chất là một loại máy nghe nhạc hiện đại, được "chế" để phục vụ việc gian lận thi cử.
Trước khi vụ việc sinh viên trên quay bài bằng đồng hồ thông minh bị phát hiện, trên một số diễn đàn, trang mạng cũng xuất hiện những thông tin về loại đồng hồ này. Không chỉ có vậy, một số cư dân mạng còn chia sẻ cho nhau cách biến một chiếc máy nghe nhạc có màn hình cảm ứng thành một chiếc đồng hồ giả để đánh lừa giám thị nhằm cóp tài liệu vào và gian lận trong phòng thi.
Một thầy giáo có nhiều kinh nghiệm làm giám thị cho biết: “Nhiều thiết bị công nghệ cao trên thế giới đã xuất hiện tại Việt Nam, trong đó có loại đồng hồ thông minh. Và một số học sinh, sinh viên đã lợi dụng các tính năng hiện đại của thiết bị này để gian lận trong thi cử. Để phát hiện thí sinh sử dụng đồng hồ thông minh quay cóp bài khi thi, giám thị phải thật chú ý tới các biểu hiện như thí sinh liên tục nhìn đồng hồ, hay đồng hồ trên tay tự nhiên phát sáng”.
Gian lận thi cử đạt “đẳng cấp mới” nhờ công nghệ hiện đại
Từ trước đến giờ, những học trò lười học nhưng vẫn muốn điểm cao, thi đỗ thường chọn cách gian lận trong các kì thi với những loại phao quen thuộc như phao ruột mèo, photo thu nhỏ… Nhưng cùng với sự phát triển và ngày càng phổ biến của công nghệ hiện đại, nhiều học sinh, sinh viên đã lợi dụng các thiết bị truyền tin, liên lạc công nghệ cao để thực hiện hành vi quay bài trong phòng thi một cách hết sức tinh vi, khó phát hiện. Với một chiếc điện thoại có thể chụp ảnh, có chức năng bluetooth và vào mạng internet, thí sinh ngồi trong phòng thi có thể dễ dàng liên lạc và kết nối với bên ngoài để quay cóp. Nhiều “cao thủ quay bài” đã tự hào cho rằng việc quay cóp bài trong phòng thi đã đạt một “đẳng cấp mới” nhờ công nghệ.
Trên mạng xã hội Facebook, không ít người ngạc nhiên khi thấy một thành viên đăng bức ảnh chụp đề thi lên mạng ngay khi đang ngồi trong phòng thi. Đây là một cách để đưa đề thi ra ngoài, và người ở ngoài sẽ làm bài giải rồi chuyển đáp án ngược trở lại cho thí sinh trong phòng thi. Với chức năng đăng ảnh trực tiếp lên mạng từ điện thoại di động, chỉ cần vài chục giây đồng hồ là thí sinh có thể “tác nghiệp” xong. Mặc dù quy chế không cho phép mang điện thoại vào phòng thi nhưng thí sinh có rất nhiều cách để “qua mặt” giám thị.
Nhiều thí sinh đã lợi dụng các thiết bị công nghệ cao để gian lận một cách tinh vi, qua mặt giám thị (Ảnh minh họa).
Tinh vi hơn, một số học sinh còn dùng tai nghe không dây, có kết nối bluetooth với điện thoại di động để liên lạc trực tiếp với bên ngoài giải đề thi. “Tòng phạm” của hình thức quay bài này chính là mái tóc dài thướt tha của nữ sinh hay những mái đầu bù xù tóc che kín tai kiểu tài tử của nam sinh. Chỉ cần tóc đủ dài trùm kín tai là những học sinh gian lận có thể yên tâm và ung dung dùng tai nghe quay bài mà khó bị phát hiện.
Khi đến giờ thi, các giám thị thường đọc to đề thi cho các thí sinh nghe. Lợi dụng điều này, các “cao thủ quay bài” bật sẵn điện thoại để người ở ngoài nghe đề bài. Sau đó, thí sinh trong phòng thi có thể ngồi ngay ngắn, đàng hoàng chép bài theo đáp án được người ở ngoài đọc qua tai nghe.
“Quay bài bằng tai nghe ngày càng được học sinh, sinh viên ưa chuộng, nhất là nữ sinh. Vì quay bài kiểu này không phải lén lút, giữ được vẻ tự nhiên nên ít bị giám thị nghi ngờ. Mấu chốt của tuyệt chiêu này là điện thoại, tai nghe phải khá xịn và có sự phối hợp ăn ý giữa người bên trong và bên ngoài phòng thi để có thể đọc – chép nhịp nhàng. Tóc ai càng dài, càng dày thì càng tốt để che kín tai. Nếu tóc mỏng hay hơi ngắn thì cần vuốt gel để tóc cứng, không xô lệch làm hở tai”, một sinh viên có thâm niên quay bài qua nhiều kỳ thi tiết lộ “bí quyết”.
Mới đây, phóng sự điều tra của một kênh truyền hình đã đưa thông tin về loại tai nghe bluetooth chỉ nhỏ bằng hạt đậu, có thể dễ dàng nhét gọn trong tai có thể đã được sử dụng để gian lận trong các kì thi.
Hiện nay, tại một số cửa hàng vẫn lén lút bán phao thi cho học sinh, sinh viên mỗi mùa thi đến, ngoài các hình thức phao photo thu nhỏ, phao ruột mèo truyền thống, các chủ cửa hàng còn giới thiệu các loại phao điện tử. Loại phao này thực chất là lời giải các đề thi đã được số hóa bằng tệp tin âm thanh. Phao điện tử thích hợp với các môn thi có sẵn đề cương câu hỏi hoặc học thuộc lòng nhiều. Để dùng loại phao này, thí sinh chuyển các file âm thanh vào máy nghe nhạc hoặc điện thoại và dùng tai nghe để quay bài trong phòng thi. Với kiểu quay bài này, thí sinh cần nhớ thứ tự nội dung các file âm thanh để có thể chọn mở lúc làm bài.
Mỗi một kỳ thi, dù công tác coi thi được thắt chặt đến đâu thì vẫn có những trường hợp thí sinh mang tài liệu vào phòng thi để quay cóp. Nhiều trường hợp gian lận bị phát hiện, nhưng có lẽ cũng có những trường hợp quay cóp bài trót lọt.
Với sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ hiện đại, một số thí sinh đã nghĩ ra những phương thức gian lận rất tinh vi, ngày càng khó bị phát hiện như một số ví dụ kể trên.
Đợt 2 kì thi Đại học - Cao đẳng năm 2014 sắp bắt đầu với nhiều môn thi có khả năng cao xảy ra quay cóp, gian lận. Thông tin về những chiêu trò quay cóp bài bằng công nghệ cao đã được một số thí sinh sử dụng sẽ là điều đáng lưu tâm và hữu ích cho các giám thị để đảm bảo một kì thi an toàn, nghiêm túc, công bằng.
Duy Minh