Theo tin tức đăng tải trên Duowei News, một tờ báo tiếng Trung hải ngoại, Philippines đã tăng cường sức mạnh quân sự của mình trong năm qua và sẽ tiếp tục làm vậy trong năm 2016.
Tờ báo dẫn lời một quan chức Philippines cho biết Manila dự kiến sẽ chi 25 tỷ peso (552 triệu USD) trong tổng ngân sách 3 nghìn tỷ peso (66 nghìn tỷ USD) của chính phủ cho quốc phòng.
Theo ông Florencia Abad, Bộ trưởng Ngân sách Philippines, ngân sách quốc phòng 25 tỷ peso là con số lớn nhất mà nước này chi ra để hiện đại hóa quân sự trong 20 năm qua. Dự thảo ngân sách này sẽ được đưa ra bàn bạc tại quốc hội sau khi bài phát biểu về tình hình quốc gia ( State of the Nation address) cuối cùng của Tổng thống Philippines Benigno Aquino III vào ngày 27/7 tới.
Ông Abad nói rằng ngân sách quốc phòng là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội 5 năm đã được quốc hội phê duyệt năm 2013. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có phải sự gia tăng chi tiêu quân sự này có phải là do tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông hay không, ông Abad nói rằng Philippines cần "bảo vệ những gì thuộc chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi" và "theo dõi các diễn biến một cách hiệu quả" tại khu vực.
Ngân sách quân sự năm 2016 tăng gấp 5 lần so với năm 2013, khi Philippines phải tái thiết lại đất nước sau khi bị siêu bãi Haiyan tấn công.
Philippines cùng Nhật Bản tập trận chung tại Biển Đông. Ảnh: CFP |
Tờ Duowei dẫn một nguồn tin quân sự cấp cao, giấu tên của Philippines cho biết 25 tỷ peso sẽ được dùng để mua 2 tàu hộ tống, 2 máy bay tuần tra tầm xa động cơ đôi và 3 hệ thống radar do thám trên không nhằm tăng cường giám sát tại Biển Đông. Số tiền còn lại sẽ dùng để mua trả góp cho các chiến đấu cơ hạng nhẹ mua của Hàn Quốc.
Philippines là 1 trong những lực lượng vũ trang được trang bị tốt nhất Đông Nam Á với hạm đội tàu đã trên 50 tuổi, Duowei cho biết. Tàu lớn nhất của nước này là một tàu tuần duyên mà Mỹ đã không dùng. Trước đó, Philippines đã mua tổng cộng 12 chiến đấu cơ của Hàn Quốc, 2 trong số đó sẽ được bàn giao vào tháng 11 năm nay.
Một số nhà phân tích cho rằng trước năm 2012, mối đe dọa an ninh lớn nhất mà Philippines phải đối mặt là các nhóm chiến binh chống chính phủ, bao gồm Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro và Abu Sayyaf. Các nhóm phiến quân này hoạt động tại Mindanao, Jolo và đảo Basilan, để tìm kiếm quyền tự trị cho người Moro trong nước cũng như lực lượng New People's Army (NPA) - đội quân vũ trang của Đảng cộng sản Philippines.
Từ những năm 1990, chính phủ Philippines tập trung đầu tư các quỹ quân sự cho lực lượng trên mặt đất để giải quyết các nhóm nổi dậy. Lực lượng hải quân và không quân lúc này chủ yếu làm nhiệm vụ hỗ trợ. Tuy nhiên, khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa các nhóm phiến quân Moro và chính phủ đạt được tiến bộ cùng với sự đàn áp NPA thì quân đội Philippines (PA) đang trở nên không còn hữu dụng đối với Lực lượng vũ trang Philippines. Kết quả là Philippines giảm ngân sách cho quân đội dẫn tới bất bình trong hàng ngũ PA.
Chính quyền Aquino III đã quay sang tập trung vào vấn đề Biển Đông, tăng chi tiêu quân sự cho lực lượng hải quân và không quân. Vào tháng 5/2013, Tổng thống Aquino III đã thông qua kế hoạch hiện đại hóa quân sự trị giá 75 tỷ peso (1,7 tỷ USD), tập trung cải thiện sức mạnh hải quân. Trong 5 năm từ 2013-2017, chính phủ Philippines đã lên kế hoạch phân bổ 15 tỷ peso (332 triệu USD) mỗi năm để nâng cấp trang thiết bị và nhập khẩu các hệ thống vũ khí không quân cũng như hải quân.
Trong năm qua, Philippines đã khá tích cực trong vấn đề Biển Đông. Họ tham gia các cuộc tập trận chung với Nhật Bản và Mỹ, bắt đầu vụ kiện lên Tòa án trọng tài Quốc tế về hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc là do sự xâm nhập bất hợp pháp vào các rạn san hô và đảo của Trung Quốc tại khu vực từ những năm 1970. Người phát ngôn này cũng nói rằng Trung Quốc là nạn nhân trong tranh chấp Biển Đông, bao biện rằng Bắc Kinh vẫn đang kiềm chế để duy trì hòa bình, ổn định khu vực.
Mặc dù dự thảo ngân sách quân sự này có kích thước lớn chưa từng có nhưng nếu được thông qua, nó vẫn chỉ chiếm 0,5% chi tiêu quân sự của Trung Quốc năm 2015, theo tờ Global Times.
Bảo Linh (Theo Wantchinatimes)