Một thanh niên ôm tấm biển thất nghiệp đang cần việc làm quỳ gối trước cổng Đài truyền hình quốc gia khiến người đi đường xôn xao.
[mecloud]mb2yv95PVG[/mecloud]
Bức hình này được đăng tải lên mạng xã hội và nhanh chóng trở thành chủ đề nóng gây nhiều tranh cãi.
Được biết sự việc xảy ra vào trưa nay 5/1, ngay trước cổng Đài truyền hình Việt Nam.
Nam thanh niên mếu máo quỳ cầm tấm biển xin việc trước đài truyền hình. Ảnh internet |
Thanh niên trong bức hình ôm tấm biển với dòng chữ: "Tôi ở xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Xin làm ơn hãy cho tôi có việc làm là nhân viên bán hàng. Mong nhà tuyển dụng giúp đỡ tôi."
Theo như thông tin mà thanh niên này cho biết, anh tên Nguyễn V.H (1993, trú tại Cổ Bi, Gia Lâm). Do trình độ học vấn chỉ mới hết lớp 6 nên hồ sơ xin việc của anh đi đến đâu cũng bị nhà tuyển dụng từ chối.
Chán nản và thất vọng cùng cực, anh ôm tấm biển ra trước đài truyền hình gào khóc. Sự việc đã khiến người đi đường chú ý.
Trên mạng xã hội, người ta bàn tán rất nhiều về sự việc này. Đa phần đều thương cảm trước hoàn cảnh thất nghiệp của V.H, nhưng theo nhiều người, hành động của anh ta đáng trách hơn là đáng thương.
Nickname Đình Phương bày tỏ: "Tôi dị ứng với mấy kiểu quỳ gối cầu xin sự thương hại từ mọi người. Là đàn ông không đủ trình độ làm việc này thì làm việc khác. Sao không phấn đấu để đủ tiêu chuẩn làm việc mình thích mà đi quỳ xin như vậy. Sức dài vai rộng đâu rồi?"
Anh Xuân Tùng bày tỏ:" Đúng là thanh niên bây giờ xuống cấp thật, phải quỳ lạy xin việc, ở quê thiếu gì, cứ phải lao lên đây để làm bán hàng. Cửa hàng đăng tuyển nhân viên bán hàng đầy ra kìa. Nếu muốn thì phải năng động lên chứ."
Chị Lê Huyền ngán ngẩm: "Bạn không tật nguyền thì sao phải quỳ lạy cầu xin sự thương hại. Hãy đứng lên bằng đôi chân và lao động bằng đôi bàn tay, khối óc mà bố mẹ cho bạn. Đừng làm họ xấu hổ vì bạn. Nếu cả triệu thanh niên Việt Nam đều ra đường quỳ xin việc như bạn thì sẽ thế nào?"
Còn nhớ, hồi tháng 8/2015, anh Phùng Đức Ninh (sinh năm 1990, quê Lương Tài, Bắc Ninh) cũng cầm tấm biển ra đường đứng xin việc vì thất nghiệp, cần tiền mua sữa cho con.
Ninh cho biết mình quá bế tắc với cuộc sống trước mắt. |
Quả thực việc làm của anh nhận được phản hồi tích cực khi nhiều nhà tuyển dụng nhã ý cho anh một cơ hội làm việc.
Tuy nhiên đó là sự thương hại, nếu anh không chứng minh được năng lực thì anh lại bị sa thải và thất nghiệp.
Hệ lụy lớn hơn là anh Ninh phải đối mặt với áp lực dư luận quá lớn. Cuối cùng sau sự việc cầm biển xin việc, anh phải "bỏ phố về quê" một thời gian để tránh chỉ trích từ dư luận.
PV