Trước tình trạng nông sản Việt đang gặp khó về tiêu thụ khi thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm vì Covid-19, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã nảy ra ý tưởng kết hợp thanh long với các sản phẩm như bánh mì, mochi hay pizza để tạo nên một loại thực phẩm mang hương vị mới.
Nước ép dưa hấu được sử dụng để pha với nước trộn bột gạo làm bún. Ảnh: FB
Mới đây, một doanh nghiệp về thực phẩm tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đã cho ra đời loại bún kết hợp với dưa hấu có giá 12.000 đồng/gói 200g khá độc đáo.
Theo Giám đốc công ty này cho biết, đơn vị đã tiêu thụ hơn 5 tấn dưa hấu cho đợt đầu tiên thử nghiệm và sản xuất thành công sản phẩm.
Nước ép dưa hấu sẽ chuyển sang màu hồng rồi sang màu cam khi chế biến, đặc biệt là khi gặp nhiệt độ cao. Do vậy, để cho ra sản phẩm cuối cùng ưng ý, công ty đã phải mất 7-8 lần thử nghiệm và điều chỉnh công thức.
Sau khi thành phẩm, bún dưa hấu có màu vàng cam nhạt gần giống như miến rong. Ảnh: FB
Theo đó, 40% nước pha bột trong công đoạn chế biến sẽ được thay thế một phần bằng nước ép dưa hấu. Bột trộn đều rồi ép thành sợi bún tươi. Bún được để qua đêm và rửa lại bằng nước để tách rời từng sợi. Sau đó, bún sẽ được sấy khô trong vòng 4 tiếng đồng hồ.
Trước đó, bánh mì thanh long của ông chủ chuỗi cửa bánh tại TP.HCM đã ra đời và bán rất chạy.
Cuối cùng, bún được cho vào phòng làm mát khoảng 2 tiếng cho nguội, rồi đóng gói bao bì, qua máy rà kim loại và đóng thùng thành phẩm. Khi khô, bún dưa hấu có màu vàng cam, khi nấu chín thì chuyển sang màu vàng nhạt như sợi mì.
Vị lãnh đạo cty này cũng cho biết, ban đầu, chỉ với mục đích hỗ trợ người nông dân tiêu thụ dưa hấu bị ùn ứ do dịch Covid-19, nhưng sau khi thử nghiệm bún dưa hấu thành công và lô hàng đầu tiên với vài trăm thùng bún dưa hấu của công ty đã xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Tới đây, doanh nghiệp tiếp tục cho ra đời nhiều sản phẩm với ý tưởng tương tự, bao gồm bánh tráng, phở, mỳ, miến đậu. Đồng thời, quyết định đưa các sản phẩm này vào danh sách sản xuất lâu dài theo nhu cầu thị trường.