Tin mới

Cậu bé chăn trâu thành siêu đại gia tài sản chục nghìn tỉ

Thứ năm, 18/06/2015, 16:44 (GMT+7)

Từ ước mơ sở hữu máy bay riêng của cậu bé chăn trâu đến lúc trở thành đại gia ngày hôm nay của bầu Đức là cả một đoạn đường dài khó khăn.

Xuất thân từ một cậu bé chăn trâu nghèo khổ, luôn mang trong mình ước mơ sở hữu được một máy bay riêng. Tưởng chừng như đó là điều không tưởng, nhưng chính ước mơ đó đã nuôi dưỡng cậu bé chăn trâu thành đại gia bầu Đức của ngày hôm nay.

Không có duyên với học vấn

Đoàn Nguyên Đức được mọi người biết đến với biệt danh bầu Đức. Doanh nhân sinh năm 1962 này xuất thân từ xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Như bao cậu bé vùng quê khác, 50 năm trước Đoàn Nguyên Đức cũng chỉ là một cậu bé chăn trâu nhỏ bé. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Mẹ làm ruộng tần tảo nuôi 9 anh em ăn học bằng cơm độn sắn độn khoai.Hàng ngày cậu bé Đức đi chăn trâu trên cánh đồng bên cạnh sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định. Cậu bé chăn trâu ngày nào luôn háo hức mỗi khi ngắm những máy bay qua lại ngay trên đầu mình, chỉ mong ước một ngày nào đó sẽ tậu được cho riêng mình một máy bay riêng. Vào thời điểm đấy, ai mà nghe được ước mơ đó thì cũng chỉ bật cười trước mơ ước viễn vông, khó có thể trở thành hiện thực.

Hơn 10 năm dắt trâu ra đồng, kéo cày, xẻ đất,... chịu bao nhiêu khổ cực nắng gió. Đoàn Nguyên Đức nuôi quyết tâm học thật giỏi, đậu đại học để thoát ra khỏi cuộc sống bàn hàn này. Tốt nghiệp cấp 3 hệ 10 năm vào năm 1982, Đoàn Nguyên Đức vào TP.HCM thi đại học. Vừa học vừa làm với quyết tâm sắt đá. Vậy nhưng con đường học vấn không dễ dàng đối với ông, năm đầu tiên Đức đã thi trượt đại học. Không nản chí, cậu bé nghèo khổ vẫn tiếp tục vùi đầu vào sách vở. Nhưng dù cố gắng đến mấy Đức vẫn không thể thi được vào cổng trường đại học dù đã qua 4 lần thi rớt.

Vào những năm 80 thời đó, học vấn được coi là thước đo giá trị của con người. Không vào được đại học đồng nghĩa với việc sẽ không bao giờ thoát nghèo được, ước mơ của cậu bé Đoàn Nguyên Đức ngày nào sẽ phải chôn vùi, chấp nhận cuộc sống chăn trâu tại quê nhà.Nhớ lại khoảng thời gian đầu đời đó, ông Đức chia sẻ với VNETcom “ Sau những cú sốc, đau và thừa nhận là mình dốt, tôi đã ngửa mặt lên trời và tự nói với bản thân rằng ngã ở đâu tôi sẽ đứng lên ở đó”. Khi ấy ông nhớ lại hình ảnh người mẹ đã tần tảo nuôi nấng 9 anh em ông ăn học. Với ý chí sắt đá không chịu khuất phục trước khó khăn, cậu bé 22 tuổi bắt đầu tìm kiếm con đường phát triển cho tương lai của mình “Con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng”

Bắt đầu cuộc sống tự lập bằng mọi công việc, ông làm thuê đủ mọi nghề để nuôi sống bản thân, tích cóp kinh nghiệm và cố gắng sáng tạo tìm tòi lối đi riêng. Năm 1990, sau một thời gian làm thuê, Đức tích cóp được một khoản tiền nhỏ đủ để ông mở một phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê ông. Nói là chủ phân xưởng nhưng tự tay Đức phải làm mọi việc từ cưa, bào, đục đẽo để làm ra những sản phẩm đầu tiên cho học sinh. Sau đó,  ông mở rộng kinh doanh sang sản xuất thêm đồ nội thất và còn qua các lĩnh vực trồng rừng, chế biến gỗ, vật liệu xây dựng,...

Dấn thân vào thương trường

Hoàng Anh Gia Lai, tập đoàn con cưng của bầu Đức

 Năm 1993, ông thành lập xí nghiệp Hoàng Anh Pleiku. Đến năm 2006 thì trở thành công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai với nhiều lĩnh vực hoạt động kinh doanh như khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc và bóng đá. Tuy nhiên bất động sản vẫn là một trong những nguồn lớn mang lại nguồn tài chính dồi dào cho Hoàng Anh Gia Lai.

Từ năm 2001 đến nay, cái tên bầu Đức càng nổi như cồn sau những sự kiện làm nên các tít lớn trên hấu hết các mặt báo Việt Nam và cả thế giới, điển hình như việc ông mua chân sút số một Đông Nam Á Kiatisak và trả lương lên đến 15.000 USD/tháng. Năm 2002, ông hợp tác cùng câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng thế giới của Anh Arsenal để mở học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG vào năm 2007.

Hợp tác cùng CLB bóng đá nổi tiếng Arsenal mở học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG

Sang năm 2006, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cổ phần hóa với vốn điều lệ đạt gần 296 tỷ đồng. Vào năm 2008, công ty bắt đầu niêm yết chứng khoán tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (Hose) với mã HAG. Ngay khi lên sàn, HAG đã nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư, cổ phiếu HAG bứt phá khiến cả Hoàng Anh Gia Lai và bầu Đức đều nhận lấy cơ hội “hứng tiền”. Tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết ban đầu gần 180 triệu đơn vị, cho đến nay khối lượng cổ phiếu HAG đang lưu hành đã lên tới 537 triệu, tương đương mức vốn hóa thị trường khoảng 16.067 tỷ đồng. Vào thời điểm năm 2008 ông là người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Bầu Đức còn định mua thêm 20% cổ phần của câu lạc bộ Arsenal. Lúc này vốn điều lệ của Hoàng Anh Gia Lai đã tăng gấp 6 lần năm 2006.

Và tất nhiên bầu Đức vẫn không thể nào từ bỏ giấc mơ thưở bé của mình khi tậu riêng cho mình một máy bay (Beechcraft King Air 350) trị giá 7,5 triệu USD. Điều đặc biệt ông tậu chiếc máy bay này từ chính tiền túi cá nhân để mục đích là phục vụ công việc chung của tập đoàn.

Năm 2008, bầu Đức đánh bật ông Đặng Thành Tâm (một trong những đại gia chứng khoán thời đó) và chiếm ngôi vị người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với 6.160 tỷ đồng. Xếp thứ 2 và thứ 3 lần lượt là ông Phạm Nhật Vượng và ông Đặng Thành Tâm.

Trong khi bối cảnh thị trường chứng khoán VIệt Nam đi xuống mạnh vào năm 2008 và vẫn có xu hướng tiếp tục đi xuống trong năm 2009, thi đi ngược lại với thị trường thời đó, cổ phiếu HAG vẫn tăng mạnh, đặc biệt trong năm 2009 lại tiếp tục tăng gấp rưỡi lên 78.000 đồng/CP. Có lẽ thời gian này, sức mạnh của Hoàng Anh Gia Lai và danh tiếng của bầu Đức góp phần giúp HAG đi ngược thị trường, giúp khối tài sản của bầu Đức tăng vọt lên 11.500 tỷ đồng, đưa bầu Đức lên vị trí số 1 trong giới doanh nhân.

Đại gia đầu tiên Việt Nam sở hữu phi cơ riêng

Tuy nhiên, vị trí này không tồn tại lâu khi đối thủ đáng gờm của bầu Đức là ông Phạm Nhật Vượng đã vươn lên vị trí số 1 với tài sản 9.000 tỷ đồng, vị trí thứ 2 là bầu Đức.

Sau những cuộc thăng trầm lên xuống của sàn chứng khoán, HAG vẫn tiếp tục tăng trưởng đưa về cho bầu Đức thêm 400 tỷ đồng, đẩy giá trị tổng khối tài sản lên tới 11.900 tỷ đồng.

Sau 30 năm lập nghiệp với nhiều thăng trầm, bầu Đức đã có trong tay một doanh nghiệp với mức vốn hơn 40.000 tỷ đồng, hàng loạt nông trường cao su, mía, nhà máy thủy điện ở Đông Dương, sở hữu những mảnh đất vàng đắt giá tại Myanmar và học viện bóng đá nổi tiếng nhất Việt Nam. Ông được Wall Street Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á.

Không có một doanh nhân nào như bầu Đức, mang trong mình máu liều nhưng ông cũng vô cùng thận trọng. Được xem là mẫu doanh nhân “biết sợ” của thị trường, trong khi những dự án của Hoàng Anh Gia Lai đạt tỷ lệ lợi nhuận trên vốn tới 300%, ông đã quyết định chuyển hướng đầu tư sang nước ngoài làm ăn. Hoặc như khi nhiều tập đoàn chạy theo hướng đầu tư tại mảng tài chính ngân hàng thì bầu Đức lại kiên quyết nói không với HĐQT, vì theo ông “ chúng ta không biết gì về tài chính, mà không biết thì không làm”.  

Nổi tiếng sẽ không thể không dính vào scandal. Theo thông tin thị trường từ Newzing, năm 2013, khi hàng loạt kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp vướng vào scandal thì cái tên bầu Đức càng được hâm nóng. Đầu tiên là tổ chức nhân chứng toàn cầu (Global Witness) đưa ra các báo cáo, cho rằng hoạt động kinh doanh tại Lào, Campuchia của Hoàng Anh Gia Lai coi thường luật pháp, phá hoại tài nguyên rừng và tham nhũng. Đồng thời tổ chức này cũng kêu gọi các nhà đầu tư rút vốn khỏi doanh nghiệp này. Đương đầu với sóng gió, bầu Đức phủ định mọi cáo buộc và cho răng đơn vị này đang PR và muốn đòi viện trợ, đồng thời mời đại diện tổ chức này đến để thị sát trực tiếp. Chưa dừng lại ở đó thì cuối năm khi dự định mang mía đường sản xuất từ Lào về Việt Nam để xuất sang Trung Quốc, ông đã bị Hiệp hội Mía đường phản đối. Gần đây là dự án Resort 5 sao của Hoàng Anh Gia Lai triển khai ở Đà Nẵng đã bị địa phương này dọa thu hồi.

Vượt qua những khó khăn trong năm 2013, cả khi phải bán phá giá căn hộ mở bán tại TP.HCM, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức vẫn đạt lợi nhuận trước thuế tính đến quý III vào khoản 256 tỷ đồng. Số tiền đầu tư của Hoàng Anh Gia Lai tại Myanmar vẫn lên tới 1.200 tỷ đồng. Và minh chứng trong thời gian qua đã cho thấy, nội lực tiềm tàng trong con người bầu Đức luôn giúp ông vượt qua mọi sóng gió, đưa Hoàng Anh Gia Lai đứng vững trên chính đôi chân của mình.

Hoài An(Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: máy bay riêng HAG