Đối với những người yêu và gắn bó với Hồ Gươm, chắc chắn sẽ biết đến “cô Chín” (thực chất là cây lộc vừng trăm tuổi có chín gốc) duyên dáng nằm bên Bờ Hồ.
Hồ Gươm cảnh trí nên thơ, từ lâu đã trở thành địa chỉ lý tưởng để các nam thanh nữ tú hẹn hò. Ít ai biết được, có hai nơi mà các đôi trai gái thường tìm đến để trao duyên là dưới cây lộc vừng chín gốc mà người yêu Hà Nội thường gọi là “cô Chín” Hồ Gươm và chiếc ghế đá cung đình trăm tuổi ngự trước cổng nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam (16 Lê Thái Tổ). Chính vì sự đặc biệt này mà từ lâu giới trẻ vẫn truyền tụng nhau câu chuyện trai gái muốn được bên nhau suốt đời thì nên một lần đến đây để tâm sự.
Ghế vua cổ nhất Việt Nam?
Sở dĩ gọi chiếc ghế đá cổ (trước đây nằm ở số 16 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) là ghế vua chính bởi xuất xứ danh giá của nó. Nhiều tư liệu cho biết, chiếc ghế này có từ thời nhà Lê, là cổ vật quý hiếm. Trong cuốn tiểu thuyết “Me Tư Hồng” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến có nói, bà Tư Hồng là người có công xây dựng những công trình có tính lịch sử ở Hà Nội. Những công trình này hiện vẫn tồn tại quanh hồ Hoàn Kiếm (tên gọi khác của Hồ Gươm) hay khu “phố Tây”.
Bà Tư Hồng, người có công đặt ghế vua cạnh Bờ Hồ. |
Khi bà Tư Hồng phá tường thành Hà Nội năm 1897 đã đem chiếc ghế từ điện Kính Thiên (nằm trong Hoàng thành) ra Bờ Hồ. Đó là hai chiếc ghế đá công cộng đầu tiên của Hà thành và đặt ở 16 Lê Thái Tổ ngày nay. Trải qua bao biến thiên lịch sử, chiếc ghế đã trở thành một phần lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Chiếc ghế đá này có từ thời Lê hay không vẫn chưa thể khẳng định, tuy nhiên, PGS Hà Đình Đức – người nhiều năm nghiên cứu về Hồ Gươm đã nhấn mạnh: “Chiếc ghế đá đó không phải thời Lê. Vì thời Lê, Hồ Gươm bao trùm ra đến bệnh viện Việt Đức ngày nay. Về chiếc ghế, tôi nhận định, nó có từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Do đó, nói ghế đó từ thời Lê là chưa có căn cứ xác đáng nhưng có thể nói, nó là chiếc ghế “độc nhất vô nhị” ở Hà Nội và có tuổi đời lâu nhất”.
Trong quá trình giải mã nguồn gốc chiếc ghế đá “độc nhất vô nhị” này chúng tôi đã tiếp cận rất nhiều tư liệu viết về Hà Nội xưa. Theo đó, thời điểm tháng 2/1894, theo lệnh của toàn quyền Đông Dương Richaud, thành Hà Nội được phá để xây dựng với quy mô mới. Bà Tư Hồng đứng ra nhận thầu việc phá thành từ năm 1894 – 1897.
Bà Tư Hồng vốn tên thật là Trần Thị Lan, quê ở Bình Lục, Hà Nam. Trước làm vợ một khách buôn người Hoa, sau đó, bà lấy một tên quan Tây người Pháp. Nhờ biết “nhìn trước ngó sau”, bà trúng thầu việc phá thành Hà Nội. Nhờ trúng thầu nên bà nhanh chóng trở nên giàu có và nổi danh khắp xứ An Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, hiện ở Hà Nội vẫn còn những công trình liên quan đến nhân vật bà Tư Hồng như trường Puginier (nay là trường THPT Việt Đức); dãy nhà xây ở phố Quán Sứ; ghế đá trước số nhà 16 phố Lê Thái Tổ. Chính những tư liệu trên đã cho thấy, chiếc ghế đá cổ nằm ở số 16 phố Lê Thái Tổ rất có thể xuất xứ từ trong thành Hà Nội và nó có nguồn gốc từ thời Lê.
Cũng trong quá trình tìm hiểu tư liệu liên quan đến Hồ Gươm, chúng tôi đã gặp họa sỹ Hoàng Minh Đức (hiện đang sống ở phố Thuốc Bắc, quận Hoàn Kiếm) và được ông cho biết, chiếc ghế vua đã có từ lâu. Ngay cả những người dân gốc phố cổ cũng không ai có thể khẳng định chính xác nó xuất hiện từ bao giờ. Chỉ biết rằng, trong ký ức của người họa sỹ đã bước qua tuổi 70 này, thời nhỏ mỗi lần ra Hồ Gươm dạo chơi, ông và các bạn đã thấy sự hiện diện của chiếc ghế cổ này.
“Cô Chín” Hồ Gươm và người nghệ sỹ tài danh
Đối với những người yêu và gắn bó với Hồ Gươm, chắc chắn sẽ biết đến “cô Chín” (thực chất là cây lộc vừng trăm tuổi có chín gốc) duyên dáng nằm bên Bờ Hồ. Từ thời kỳ chiến tranh cho đến tận ngày nay, một năm được đếm bằng hai mùa hoa lộc vừng nở rồi tàn, lá lộc vừng nở rồi đâm chồi.
“Cô Chín”, nơi lưu giữ tình yêu của nhiều cặp bạn trẻ. |
Mỗi lần như vậy, “cô Chín” đều mang đến cho người dân Thủ đô cảm xúc hết sức khó tả. Vốn được xem là loài cây mang đến tài lộc cho chủ, lộc vừng Hồ Gươm có chín gốc, con số phát lộc. Vì vậy, đối với nhiều người, “cô Chín” là biểu tượng của sự may mắn.
Nhiều người ví von rằng, nếu xem Hồ Gươm là lẵng hoa của Hà Nội thì “cô Chín” là đóa hoa của Hồ Gươm. Theo bà Nguyễn Thu Hoài (75 tuổi, trước đây ở phố Cầu Gỗ), hơn 60 năm trước, khi ấy Hà Nội còn ít người, hầu như chiều nào bà cũng cùng mấy người bạn ở phố Hàng Bạc, Cầu Gỗ, Hàng Bè rủ nhau ra gốc cây lộc vừng dạo chơi. Cây lộc vừng chín gốc là điểm hẹn hò, tụ tập của bạn bè.
Cái danh xưng “cô Chín” đầy yêu kiều là do đám thanh niên Hà Nội thời ấy đặt cho. “Nếu có ai đó hỏi tôi “ba thứ đặc trưng nhất của Hồ Gươm là gì”, tôi sẽ chọn Tháp Rùa, “cụ” Rùa và “cô Chín”. Tôi không biết cây có từ bao giờ, bao nhiêu tuổi, chỉ biết rằng, từ bao đời nay, lộc vừng đã đứng bên Hồ Gươm, soi bóng làm dịu mát tâm hồn biết bao người Hà Nội”, bà Hoài kể.
Với người dân Hà Nội, những lần “cô Chín” nở hoa đều mang đến cho họ những cảm xúc khó tả. Theo họa sỹ Hoàng Minh Đức: “Mùa hoa lộc vừng nở là khoảnh khắc đẹp nhất mà “cô Chín” tặng cho Hồ Gươm và Hà Nội. Thời khắc đó, bất cứ ai đứng ngắm “cô Chín” đều thấy tinh thần khoan khoái, thanh tịnh như vừa mới nghe xong một bài kinh Phật đầy màu nhiệm”.
Với những nghệ sỹ, nhất là các nhiếp ảnh gia, “cô Chín” dường như đã thôi miên không ít người. Trong hàng trăm bức ảnh nổi tiếng chụp cùng “cô Chín”, những người yêu Hồ Gươm đặc biệt chú ý tới bức “Cảm xúc mùa thu” của nhiếp ảnh gia Hà Tường.
Đây là bức ảnh chụp cụ già râu tóc bạc phơ, thần thái rất điềm đạm, thanh thản đứng bên gốc cây nhìn lá rụng trải dài, phía sau là đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc. Bức ảnh gợi đến cho người xem một quan niệm về thời gian và cuộc đời. Ít ai biết được, nhân vật trong bức ảnh của nhiếp ảnh gia Hà Tường lại là nhiếp ảnh gia Võ An Ninh, người đã gắn bó với Hồ Gươm, với “cô Chín” hàng chục năm trời.
Đến nay, người ta vẫn kể rằng, trong ngày Đại lễ nghìn năm Thăng Long, nhiều người trèo lên một nhánh cây lộc vừng khiến nó bị gãy ngang (đây là thân cây mà cụ Võ An Ninh tựa trong bức ảnh “Cảm xúc mùa thu” của nhiếp ảnh gia Hà Tường). Sau đó không lâu, nhiếp ảnh gia Võ An Ninh ra đi ở tuổi ngoài 100. Giới nhiếp ảnh bảo nhau rằng đây có lẽ là một điềm báo kết thúc cuộc đời của một nhiếp ảnh gia đã yêu “cô Chín” đến mức có thể biết trước thời gian ngày tháng “cô Chín” bắt đầu rụng lá sang thu.
Chuyện se duyên là do người đời truyền tụng
Trong tâm hồn của những đôi trai gái yêu nhau và từng gắn bó với Hồ Gươm, với “cô Chín” và ghế vua thì khoảng thời gian đó là hết sức thiêng liêng. Hai bảo vật đặc biệt này được truyền tụng như “ông tơ, bà nguyệt” se duyên cho những đôi trai gái yêu nhau.
Khi hỏi về khả năng se duyên siêu phàm của “cô Chín” Hồ Gươm và chiếc ghế vua trăm tuổi, họa sỹ Hoàng Minh Đức cho rằng, có lẽ vì nhiều người bén duyên và thành vợ thành chồng nên người đời đã truyền tụng và thổi phồng lên khả năng kỳ diệu này. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó có thể thấy, “cô Chín” và ghế vua đã là một phần không thể thiếu của Hồ Gươm.
Cái kết nghiệt ngã của ghế vua
Những người yêu Hồ Gươm thời gian qua bất ngờ nghe tin ghế vua đã bị vỡ tan tành do sự bất cẩn của một lái xe khiến nhiều người ngậm ngùi luyến tiếc chiếc ghế cổ này. Điều này đang gióng lên hồi chuông về một sự mất mát có thể xảy ra đối với bất cứ một kỷ vật quý báu nào từng gắn với Hồ Gươm. Liệu, sau khi ghế vua bị nghiền nát, cơ quan quản lý có phương án hữu hiệu nào để bảo vệ những báu vật đã làm nên một Hồ Gươm lung linh trong lòng mỗi người.
Theo Trinh Phúc - Anh Đức/Đời sống & Pháp luật