Lúc 19h40 ngày 4/3, Bệnh viện đa khoa Nghi Lộc (Nghệ An) tiếp nhận một sản phụ sau sinh con được 2 tuần (trú tại Nghi Ân, Tp.Vinh) trong tình trạng nguy kịch.
Người nhà sản phụ cho biết, nghe mọi người mách sau sinh nuốt mật lợn có thể chữa đau bụng, tốt cho đường tiêu hóa nên gia đình đã đi xin một túi mật lợn còn tươi về cho sản phụ nuốt.
Tuy nhiên, sau khi làm như vậy, sản phụ xuất hiện các triệu chứng như nôn khan, khó thở, nuốt nghẹn, kích thích liên tục, đau tức vùng ngực, không ăn uống được.
Sau khi vào viện cấp cứu, sản phụ được các bác sĩ thăm khám, nội soi tiêu hóa, phát hiện một dị vật nằm trong đường thực quản đoạn 1/3 trên thực quản của sản phụ.
Kíp nội soi cấp cứu đã tiến hành gắp ra một túi mật lợn tươi, kích thước khoảng 3x4cm. Theo các bác sĩ, may mắn cho sản phụ là dị vật đã tuột xuống thực quản, nếu đang còn nằm ở đường thở thì có nguy cơ tử vong cao vì tắc đường thở.
Được biết đây là phương pháp vẫn được phổ biến trong dân gian đối với sản phụ sau sinh với mong muốn sẽ không bị đau bụng, bất chấp các chuyên gia y tế đã nhiều lần cảnh báo nguy hiểm.
Theo các bác sĩ, tất cả các loại mật đều ít nhiều có chất độc. Mật lợn có tính hàn, vị đắng. Bản thân sau khi sinh đẻ, cơ thể sản phụ bị tổn thương nặng, dễ bị lâm vào tình trạng bệnh lý mà đông y gọi là “hư hàn”. Do đó, phụ nữ sau khi sinh tối kỵ bị nhiễm lạnh, vì “hàn tà” khiến khí huyết ngưng trệ, từ đó phát sinh ra hàng trăm thứ bệnh. Mật lợn có thể sử dụng tăng cường, chữa trị một số bệnh tiêu hóa, nhưng vì có tính hàn, nên phụ nữ sau sinh, không nên sử dụng độc vị mật lợn mà phải kết hợp cùng một số vị thuốc đông y khác.