Tin mới

Tác dụng cây hoa mào gà: Vị thuốc quý của đông y

Thứ bảy, 22/07/2023, 11:00 (GMT+7)

Hoa mào gà gồm hoa mào gà trắng và hoa mào gà đỏ. Cả hai loại cây này đều có tác dụng trong điều trị một số bệnh.

Tên khoa học cây hoa mào gà

- Cây hoa mào gà trắng: Cây mào gà trắng còn có các tên gọi khác như thanh lương tử, mào gà đuôi nheo, bạch kê quan hoa... Mào gà trắng có tên khoa học là Celosia argentea L. (C linearis Sw); thuộc họ dền amaranthaceae.

- Cây hoa mào gà đỏ: Cây hoa mào gà đỏ còn được gọi bằng nhiều tên khác như bông mào gà đỏ hay kê quan hoa. Tên khoa học là Celosia cristata L. Đây là một loại cây sống lâu năm, có thân cứng và có nhiều cành nhẵn bóng. Lá dài, nhọn, có cuống và có các phiến là nguyên hình trứng. Hoa có màu đỏ tươi hoặc đỏ mận, cứng, nhăn nheo tương tự như mào gà. Quả cây mào gà đỏ có hình trứng hoặc hình cầu. Bên trong có chứa 8 – 10 hạt màu đen, vỏ ngoài bóng.

Thành phần hóa học cây hoa mào gà

Mào gà trắng chứa chất béo và một số hoạt chất kháng sinh, tiêu viêm. Còn cây hoa mào gà đỏ có chứa betanin, các chất dinh dưỡng, yếu tố vi lượng, anthocyanin và hạt cũng có chứa chất béo.

Tác dụng cây hoa mào gà: Vị thuốc quý của đông y - Ảnh 1
 

Tác dụng cây mào gà

- Tác dụng cây mào gà đỏ: Theo đông y thì hoa mào gà đỏ vị ngọt, tính mát, có Công dụng thanh nhiệt trừ thấp, lương huyết chỉ huyết, thường được sử dụng chữa các chứng bệnh như lỵ trực khuẩn hoặc amip, trĩ xuất huyết, thổ huyết (nôn ra máu), ho ra máu, chảy máu mũi, tiểu buốt và tiểu ra máu, băng lậu (rong huyết, rong kinh, băng huyết), di tinh, cao huyết áp, đái dưỡng chấp, nổi mày đay...

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, trong hoa mào gà đỏ có các chất dinh dưỡng và hoạt chất như: Chất đạm, chất béo; các acid folic, các vitamin B1, B2, B4, B12, C, D, E, K; các loại acid amin như tryptophan, lysine; nhiều nguyên tố vi lượng; vì vậy hoa mào gà đỏ được xếp là một loại thức ăn có tính bổ dưỡng cao.

- Tác dụng hoa mào gà trắng: Cây hoa mào gà trắng theo đông y có tính hơi hàn, vị đắng, quy vào kinh Can có tác dụng thanh can, sáng mắt, chống viêm, giúp cầm máu, khu phong thanh nhiệt. Được sử dụng để điều trị cao huyết áp, ho ra máu, lỵ trực khuẩn, chảy máu mũi, lòi dom chảy máu, tiểu buốt, tiểu rắt, bế kinh...

Bài thuốc từ cây mào gà

- Hỗ trợ điều trị cao huyết áp: Hoa mào gà đỏ 3–4 cái, hồng táo 10 quả, sắc lên khoảng 30 phút dùng uống hằng ngày.

- Mày đay: Hoa mào gà dùng cả cây sắc uống và ngâm rửa, nếu như nốt sẩn màu đỏ thì dùng hoa màu đỏ, nếu như sắc trắng thì nên dùng hoa màu trắng.

- Trị nôn ra máu: Kê quan hoa dùng cả cây khoảng 20g lượng vừa đủ, sắc uống.

- Bệnh lỵ trực khuẩn hoặc amip: Hoa mào gà sắc uống, nếu như phân có máu thì dùng hoa màu đỏ, bạch ly (phân chỉ có nhầy) thì nên dùng hoa màu trắng.

Tác dụng cây hoa mào gà: Vị thuốc quý của đông y - Ảnh 2
 

- Trĩ chảy máu: Kê quan hoa và phòng phong dùng lượng bằng nhau, sấy khô tán bột, làm thành viên to bằng hạt ngô đồng, mỗi ngày uống 70 viên với nước cơm và uống khi đói.

- Nôn ra máu: Hoa mào gà trắng tươi 24g (loại khô dùng 12g) hầm với phổi lợn, chia ăn trong ngày. Hoặc dùng hoa mào gà trắng sao 30g, tông lư thán 30g, khương hoạt 30g, các vị tán thành bột mịn, uống mỗi lần 6g với nước cơm.

- Tiểu buốt và tiểu ra máu: Hoa mào gà trắng đốt tồn tính, mỗi ngày uống khoảng 15–20g với nước cơm hoặc dùng hoa mào gà 15g sắc uống.

- Di tinh: Hoa mào gà trắng 30g, kim tiền thảo 15g, kim anh tử 15g, sắc uống trong ngày.

- Đại tiện ra máu: Hoa mào gà sao cháy tán bột, uống mỗi lần 6-9g, mỗi ngày uống 2-3 lần.

- Trĩ lở loét: Hoa mào gà 3g, ngũ bội tử 3g, một chút băng phiến, tất cả tán bột, trộn với mật lợn sau đó bôi lên vùng lở loét.

- Bế kinh: Hoa mào gà tươi 24g hầm với 60g thịt lợn nạc, sau đó chia vài lần ăn trong ngày.  

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news