Tin mới

Tàu tuần tra Ấn Độ sắp bán cho Việt Nam mạnh cỡ nào?

Thứ năm, 30/10/2014, 10:56 (GMT+7)

Sau tuyên bố của Thủ tướng Modi rằng Ấn Độ sẽ bán cho Việt Nam bốn tàu tuần tra hàng hải trong khuôn khổ gói tín dụng 100 triệu USD, giới truyền thông dự đoán các tàu đó có thể là tàu lớp Saryu mới nhất của Ấn Độ.

Sau tuyên bố của Thủ tướng Modi rằng Ấn Độ sẽ bán cho Việt Nam bốn tàu tuần tra hàng hải trong khuôn khổ gói tín dụng 100 triệu USD, giới truyền thông dự đoán các tàu đó có thể là tàu lớp Saryu mới nhất của Ấn Độ.

Theo Times of India, sau cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 28/10, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết New Delhi đang xúc tiến thực hiện gói tín dụng 100 triệu USD để chuyển giao cho Việt Nam 4 tàu tuần tra. Thủ tướng Modi không nói rõ là Ấn Độ sẽ bán cho Việt Nam loại tàu tuần tra nào. Tuy nhiên, nhiều khả năng sẽ là các tàu tuần tra ngoài khơi lớp Saryu – loại tàu tuần tra rất hiện đại do Ấn Độ tự đóng.

Một tàu lớp Saryu của Ấn Độ

Các tàu tuần tra lớp Saryu được đóng tại nhà máy đóng tàu tư nhân Pipavav. Chiếc đầu tiên của lớp này hạ thủy ngày 30/3/2009 và được bàn giao cho Hải quân Ấn Độ ngày 21/12/2012. Vào ngày 21/1/2013, nó được đưa vào hoạt động tại Vasco. Cho đến nay Ấn Độ đã đưa vào vận hành 4 tàu tuần tra loại này.

Các tàu tuần tra lớp Saryu có trọng tải 2300 tấn, dài 105m, rộng 12,9m, mớn nước 3,6m. Nó được trang bị 2 động cơ với công suất mỗi động cơ là 7790 kw cho phép đạt tốc độ tối đa 25 hải lý một giờ. Tàu có tầm hoạt động 6000 hải lý với vận tốc hành trình 16 hải lý một giờ.

Thủy thủ đoàn 1 tàu lớp Saryu gồm 8 sĩ quan và 102 thủy thủ. Vũ khí trên tàu có 1 pháo hạm 76mm và 2 pháo cao tốc AK-630 CIWS. Phía đuôi tàu có 1 sân đỗ trực thăng có thể tiếp nhận các trực thăng loại HAL Dhruv hoặc HAL Chetak.

Tàu tuần tra lớp Saryu được cho là có khả năng tàng hình và hệ thống vũ khí, kỹ thuật rất hiện đại

Với các thông số kỹ thuật này, tàu lớp Saryu trở thành tàu tuần tra ven bờ lớn nhất trong khu vực châu Á.

Với sức chứa 270 tấn dầu và 60 tấn nước ngọt, Saryu có thể hoạt động liên tục trên biển 20 ngày. Nếu như được tăng cường lượng dự trữ, thời gian hoạt động liên tục có thể lên tới 60 ngày.

Theo Hindustan Times, trong so sánh với các tàu hộ vệ hạng nhẹ của Nga, Trung Quốc, tàu lớp Saryu có các tính năng tương tự và có chỗ vượt trội. Cụ thể, so với tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp 056 mà Trung Quốc đang đóng hàng loạt thì tàu Saryu hơn hẳn. Còn so với tàu hộ vệ hạng nhẹ của dự án 20382 của Nga, Saryu tiệm cận về tính năng.

Cũng có thông tin cho biết trên cơ sở nền tảng là các tàu Saryu, Ấn Độ sẽ đóng tiếp các tàu kiểu này với trọng tải nhỏ hơn nhưng có thể trang bị vũ khí mạnh hơn với các tên lửa BrahMos hiện đại của họ hoặc các tên lửa club-N.

Ngoài tên lửa BrahMos và tàu tuần tra, Ấn Độ còn muốn chào hàng với Việt Nam một số khí tài quan trọng như máy bay thám thính Dornier, máy bay trinh sát không người lái (UAV), xe tăng T-72 nâng cấp, pháo tự hành… Ấn Độ đã từng nâng cấp các máy bay Mig của Việt Nam, nhận huấn luyện đào tạo phi công lái tiêm kích Su-30, thuỷ thủ tàu ngầm của Việt Nam.

Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hợp tác quân sự truyền thống nhưng mới chỉ giới hạn ở các lĩnh vực trao đổi quân sự, đào tạo, cung cấp phụ tùng thiết bị quân sự, bảo dưỡng…

Hợp tác đào tạo đã tăng tốc kể từ khi Việt Nam mua tàu ngầm lớp Kilo từ Nga. Ấn Độ đã vận hành tàu ngầm Kilo từ thập niên 1980.

 

 

Theo Yên Yên/ Tổng hợp/Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news