Tin mới

Tết Nguyên đán: Nguồn gốc, ý nghĩa nhân văn của Tết cổ truyền không phải ai cũng biết

Thứ sáu, 18/01/2019, 10:34 (GMT+7)

Tết Nguyên đán, nguồn gốc Tết Nguyên đán mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi đây là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, giữa chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cây cỏ.

Tết Nguyên đán, nguồn gốc Tết Nguyên đán mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi đây là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, giữa chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cây cỏ. 

Tết Nguyên đán hay còn có tên gọi khác là Tết cả, Tết ta, Tết cổ truyền, Tết âm lịch. 

Tết chính là "Tiết", hai chữ  Nguyên đán còn có nghĩa là khởi đầu, sơ khai vào buổi sáng. 

Trong văn hóa cổ truyền của người Việt, Tết Nguyên đán còn được gọi bằng cái tên trìu mến hơn - Tết ta, để nhằm phân biệt với Tết Tây (Tết Dương lịch).

Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày nào?Trong cách tính lịch âm của người Việt khác với Trung Quốc nên Tết Nguyên đán của người Việt không hoàn toàn trùng với Tết của người Trung Quốc và chịu sự ảnh hưởng của văn hóa khác.
Do Âm lịch là lịch theo chu kỳ vận hành của  mặt trăng nên Tết Nguyên Đán muộn hơn Tết Dương lịch. 

Theo quy luật 3 năm nhuận 1 tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên Đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch. 

Tết Nguyên đán thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).

Tết Nguyên đán có nguồn gốc từ đâu?

Do chịu ảnh hưởng khá sâu của văn hóa Trung Quốc trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, Tết Nguyên đán cũng là một trong những nét văn hóa bị du nhập trong thời điểm đó. 

Tết Nguyên đán, Tết cổ truyền hay còn gọi là Tết âm lịch là thời điểm chuyên giao giữa năm cũ và năm mới. Ảnh: Internet

Lịch sử Trung Quốc cho thấy Tết Nguyên đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam Vương, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm.

Còn nhà Chu thì yêu sắc đỏ nên đã chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ "tạo thiên lập địa" như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày Tết khác nhau.

Đến thời Đông Chu, Khổng Tử đã đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. 

Vào đời Nhà Tần (thế kỷ thứ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng đã đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.

Ờ đời Đông Phương Sóc, chuyện tạo thiên lập địa có thêm giống gà, ngày thứ hai có thêm chó, ngày thứ ba có thêm lợn, ngày thứ tư sinh dê, ngày thứ năm sinh trâu, ngày thứ sáu sinh ngựa, ngày thứ bảy sinh loài người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc. Di đó, ngày Tết thường được tính từ ngày Mồng 1 cho đến hết ngày Mồng 7.

Tết Nguyên đán và ý nghĩa nhân văn độc đáo không phải ai cũng biết

Thời điểm Tết Nguyên đán không những thể hiện sự giao thoa giữa trời đất và con người với thần linh trong quan niệm của người phương Đông mà đây cũng chính là thời điểm đoàn viên của mọi gia đình. 

Mỗi dịp Tết đến xuân về, mặc dù làm bất cứ nghề nghiệp nào, bất cứ nơi đâu, mọi người đều mong muốn được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong những ngày Tết. 

"Về quê ăn Tết" không còn là khái niệm gì xa xôi với những người đi làm ăn xa, đây còn là cuộc hành hương để tìm về với nguồn cội, nơi mà mình đã chôn rau cắt rốn.

Tết Nguyên đán với ý nghĩa xâu xa và mang tính thiêng liêng trang trọng, nhằm tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới, với những lời cầu chúc về một năm mạnh khỏe, sinh sôi, mưa thuận gió hòa... là sự khởi đầu về ý thức hệ nông nghiệp và lan rộng trong đời sống tâm linh người Việt. 

Cũng theo người Việt, Tết Nguyên đán là cơ hội để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, trân trọng những giá trị về nguồn cội.

Trong đời sống tâm linh người Việt, có niềm tin bất diệt rằng vào dịp Tết Nguyên đán, tổ tiên cũng sẽ hiện diện trên bàn thờ gia tiên, ở nhà thờ họ nhằm chứng kiến lòng thành của con cháu, từ đó phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, làm ăn ổn định và an khang trong một năm. 

Trong những ngày Tết, con người trở nên gần gũi với nhau hơn, ai cũng muốn vui vẻ, gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp nhất cho năm mới. Đây cũng là thời điểm hòa giải lý tưởng cho những bất đồng mâu thuẫn giữa người với người trong cuộc sống. 

Có thể thấy, giá trị đạo đức và thẩm mỹ mà Tết Nguyên đán mang lại không hề nhỏ. Ý nghĩa nhân văn cao cả của Tết Nguyên đán giúp cho con người hoàn thiện mình và hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn bao giờ hết!

Minh Di (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news