Từ lâu, tục lệ thả cá chép ngày 23 tháng Chạp cúng Ông Công ông Táo đã được truyền lại qua nhiều thế hệ. Ông bà ta quan niệm rằng vào ngày này các Táo quân sẽ cưỡi cá chép lên chầu trời, báo cáo những việc tốt và chưa tốt dưới dương gian trong 1 năm qua.
Thả cá chép ngày ông Công ông Táo là nét văn hóa đẹp của người Việt Nam (ảnh internet)
Sau đó, đúng đêm Giao thừa các Táo mới trở về trông coi căn bếp, tiếp tục nhiệm vụ của một năm mới nên vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, mâm cơm cúng của các gia đình đều không thể thiếu được cá chép.
Theo ý nghĩa dân gian, sau khi cá chép được cúng sẽ được mang thả ra sông hồ, ao để các Táo cưỡi lên thiên đình báo cáo. Còn trong đạo Phật, thả cá chép được xem như một hành động phóng sinh, thể hiện nét đẹp văn hóa cũng như sự từ bi của con người Việt Nam. Chính vì vậy việc thả cá chép sao cho đúng, thả ở đâu sẽ tốt luôn được trú trọng.
Hướng dẫn thả cá chép đúng cách
Nhiều người hiện nay quan niệm rằng thả càng nhiều cá, phóng sinh càng nhiều sẽ càng tốt nên thường làm theo phong trào. Tuy nhiên đây là quan niệm sai lầm, mang hơi hướng của mê tín dị đoan cần được loại bỏ.
Theo quan niệm dân gian, thời điểm thả cá chép đúng nhất là trước giờ Ngọ trưa ngày 23 tháng Chạp, như vậy các Táo mới kịp lên thiên đình chầu trời. Do đó các gia đình có thể thả cả từ đêm 22 đến sáng sớm 23 tháng Chạp ra ao, hồ, sông, suối gần nhà.
Khi thả cá cần phải thả từ từ, nhẹ nhàng xuống nước để cá còn có cơ hội sống sót. Nhiều người còn lựa chọn thời khắc thả cá chép thiêng liêng để thắp nhang cầu nguyện cho gia đình và bản thân rồi mới từ từ thả cá xuống dưới nước.
Tuyệt đối không phóng sinh cá ở nơi nguồn nước bẩn, ô nhiễm, không thả cá ồ ạt, quăng, ném hay vứt cả núi nilon xuống hồ nước. Giữ tâm thế tôn nghiêm, thành kính sẽ mang nhiều may mắn nhất đến cho gia đình.
Thả cá chép ở đâu hút vượng lộc cho gia chủ
Ở nhiều miền quê, không khí trong lành, nguồn nước sạch sẽ việc thả cá chép cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên ở thành phố, không phải nơi nào cũng có thể thả cá được. Dưới đây là một số địa điểm để người dân thành phố lớn có thể thả cá.
Người dân Hà Nội có thể chọn một số địa điểm dưới đây để thả cá chép như: sông Hồng, hồ Linh Đàm, hồ Thiền Quang, hồ Bảy Mẫu, hồ Xã Đàn, hồ Giảng Võ, hồ Thủ Lệ...
Tại TP.HCM, người dân có thể chọn một số địa điểm thả cá sau đây: Tu viện Quan Âm (đoạn kênh Nhiêu Lộc, Phú Nhuận), Chùa Diệu Pháp (Bình Thạnh), Chùa Pháp Hoa (Trường Sa, Phường 14, Quận 3), Chùa Nam Thiên Đệ Nhất Trụ (Thủ Đức)...
(ảnh internet)
Ngoài ra, một số địa điểm để người dân có thể phóng sinh cá chép như: Bến sông An Lộc (quận 12), Sông Sài Gòn, đoạn dưới chân cầu Sài Gòn, Sông Vàm Thuật (Gò Vấp)...
Thả cá chép là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam nhưng hãy luôn nhớ phải bảo vệ môi trường. Thả cá chép xin đừng thả túi nilon!