Nhắc đến cái thái giám trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, nhiều người thường có ấn tượng xấu vì các hoạn quan lộng quyền, chi phối vấn đề triều chính như Triệu Cao, Trương Nhượng, Ngư Triêu Ân, Ngụy Trung Hiền,...
Đơn cử Ngụy Trung Hiền - một trong những đại hoạn quan nổi tiếng nhất và nhiều quyền lực nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người cầm đầu "Đảng hoạn quan" dưới thời Minh Hy Tông trong việc lũng đoạn triều chính, thâu tóm mọi quyền lực trong tay, đồng thời tiêu diệt tất cả những người không cùng phe cánh với mình một cách không khoan nhượng.
Tuy nhiên, cũng có không ít thái giám tốt bụng trong lịch sử được ghi danh. Người này chính là Trương Cư Hàn - một thái giám thời nhà Đường. Trương Cư Hàn được cho là đã sửa một chữ trong chiếu chỉ của hoàng đế, hành động của ông đã cứu được cả nghìn sinh mạng.
Theo Sohu, xuất thân của Trương Cư Hàn không được ghi chi tiết trong lịch sử. Người ta chỉ biết, ông không có xuất thân quyền quý vào cung làm thái giám chỉ để có cái ăn cái mặc.
Trương Cư Hàn trở thành thái giám đã là cuối nhà Đường. Nhà Đường lúc bấy giờ không còn thịnh vượng như xưa mà tồn tại vô số vấn đề. Các chư hầu phong kiến và quý tộc, quan lại chia rẽ, kết bè kết phái, hoạn quan can thiệp triều chính, những vấn đề nội bộ tranh chấp ngày càng gay gắt.
Sau khi vào cung, Trương Cư Hàn đi theo đại thái giám trong cung là Trương Tòng Mai - một hoạn quan có cấp bậc cao thời Đường Ý Tông và trở thành con nuôi của Trương Tòng Mai. Việc Trương Cư Hàn được cha nuôi chống lưng cũng giúp ông không bị các hoạn quan khác chơi xấu. Vốn là người nghiêm túc, Trương Cư Hàn rất khắt khe trong công việc.
Chính vì thế, ông được Đường Hi Tông rất tán thưởng và bổ nhiệm làm phán quan nam hộ quân khi mới 20 tuổi. Sau này, Trương cũng được hoàng đế nhất mực tin tưởng, cử đi làm giám quân cho Tiết độ sứ Lưu Nhân Cung ở U Châu.
Thái giám giám quân được hiểu là thái giám sẽ giám sát quân đội. Thái giám này được chính hoàng đế bổ nhiệm "chức quan" đặc biệt này nhằm mục đích kiểm soát những vấn đề quân sự quan trọng như vận chuyển, tiếp tế, thưởng phạt các tướng lĩnh, liên lạc giữa quân đội và triều đình. Đây là một chức quan do Đường Huyền Tông triển khai và sau này được các đời tiếp theo kế thừa. Tuy nhiên, thái giám giám quân không phải ai cũng tốt. Thông thường, những thái giám đều hành xử lỗ mãng, ghi thù với các tướng lĩnh quân đội. Vì vậy, thái giám giám quân có hại nhiều hơn có lợi. Tuy nhiên, may mắn là Trương Cư Hàn là một thái giám tử tế.
Trương Cư Hàn không chỉ trung thành với hoàng đế mà còn làm việc rất tận tụy sau khi được cử đến U Châu. Tại đây, thái giám họ Trương không hề lười biếng, hầu như ngày nào cũng làm việc đến tận đêm khuya. Bản thân Trương Cư Hàn cũng có mối giao hảo tốt đẹp với Tiết độ sứ Lưu Nhân Cung. Sau khi kết thúc công việc, Trương Cư Hàn phải trở về kinh đô theo lệnh của hoàng đế. Vì tiếc tài năng của Trương Cư Hàn, Lưu Nhân Cung đã viết một bản tấu trình xin hoàng đế để Trương Cư Hàn ở lại U Châu làm việc. May mắn, hoàng đế đã đồng ý với việc này. Điều này cho thấy mối quan hệ giữa Trương Cư Hàn và Lưu Nhân Cung rất tốt đẹp.
Về sau, khi Chu Ôn có trong tay đại quân đoạt được hoàng vị và lật đổ nhà Đường, trở thành hoàng đế của triều đại Hậu Lương. Lúc này, Chu Ôn ra lệnh xử tử toàn bộ hoạn quan, Trương Cư Hàn nhờ có sự che chở của Lưu Nhân Cung được tha. Vào thời điểm đó, hơn 90% hoạn quan đều bị giết hại. Chỉ có hai thái giám còn sống sót là Trương Cư Hàn và Trương Thừa Nghiệp - thái giám giám quân của Tiết độ sứ Lý Khắc Dụng.
Sau khi nhà Đường diệt vong, Trương Cư Hàn đào tẩu đến Sơn Tây của Lý Khắc Dụng. Dù là thái giám nhưng Trương Cư Hàn chiến đấu rất dũng mãnh nhằm bảo vệ thành Lô Châu. Khi đó, Trương giữ chức giám quân đối với Lý Tự Chiêu, đối mặt với sự bao vây của quân Hậu Lương, ông liên tục từ chối những lời xúi giục của Chu Ôn thuyết phục ông đầu hàng. Thậm chí, mỗi lần ra quân, Trương Cư Hàn còn dẫn quân muốn tự tay giết Chu Ôn. Nhờ sự nỗ lực của Trương Cư Hàn và Lý Tự Chiêu mà thành Lô Châu phòng thủ thành công. Cũng nhờ đó, Trương Cư Hàn được Lý Tồn Úc - con trai Lý Khắc Dụng đánh giá rất cao. Sau này, khi Lý Tồn Úc tiêu diệt nhà Hậu Lương, tự xưng là hoàng đế triều Hậu Đường đã bổ nhiệm Trương Cư Hàn làm mật sứ.
Sau này, khi Lý Tồn Mạo ra lệnh cho hoàng tử Lý Kế Nghập và xu mật sứ Quách Sùng Thao xuất chinh đến Hậu Thục. Vương Diễn - thủ lĩnh nhà Thục biết không thể chống cự nên đã cầu xin đầu hàng. Lý Tồn Mạo lúc này chấp nhận đầu hàng, đồng thời long trọng hứa sẽ đảm bảo an toàn cho gia đình cựu hoàng nhà Thục và ra lệnh cho ông và lực lượng quân đội quay về kinh thành.
Tuy nhiên, khi Vương Diễn cùng quần thần và đoàn tùy tùng đến dịch trạm Tần Xuyên, Hậu Đường Trang Tông là Lý Tồn Úc nghe theo lời xúi giục đã ban hành chỉ dụ giết toàn bộ đoàn tùy tùng của Vương Diễn.
Khi Trương Cư Hàn xem chỉ dụ, ông cho rằng, Vương Diễn đã đầu hàng thì nên giữ lời hứa. Hơn nữa, việc chặt đầu Vương Diễn là trái tự nhiên và vô nhân đạo. Do không thể nhìn hàng nghìn người chết oan, Trương Cư Hàn đã cố tình thay đổi chiếu chỉ của hoàng đế từ giết toàn bộ người của Vương Diễn thành xử tử cả nhà Vương Diễn.
Chính vì sự khác biệt một chữ này mà mạng sống vô tội của 1000 người bao gồm cả các quan chức, người hầu, binh lính của Vương Diễn được cứu sống. Do Hoàng đế khi đó đang bận rộn việc thu phục các nước nhỏ nên không quan tâm đến việc làm của Trương Cư Hàn đồng thời Hậu Đường Trang Tông cũng đánh giá cao việc làm chính đáng của ông nên cho phép Trương Cư Hàn về quê. Năm 928 sau Công nguyên, Zhang Juhan qua đời vì bạo bệnh ở Trường An, thọ 71 tuổi.