Nhiều chuyên gia cảm thấy e ngại trước giải pháp xử phạt này vì hiện chúng ta vẫn chưa hoàn thiện lộ trình xe chính chủ.
Tiến hành phạt nguội, vi phạm giao thông có giảm?
Tại Hội nghị trực tuyến về những nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị 2014”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã đề xuất UBND Thành phố cho thí điểm xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống hơn 400 camera trên các tuyến đường của thành phố.
Căn cứ hình ảnh trên camera, đội điều khiển tín hiệu đèn có thể nhận biết những xe vi phạm và báo cho người làm nhiệm vụ ở điểm gần nhất để xử lý. Chẳng hạn, người lái ô tô, xe máy vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, không đội mũ bảo hiểm... camera sẽ chụp ảnh biển số và lưu trữ. CSGT sẽ lấy đó làm căn cứ xử phạt nguội với người điều khiển phương tiện.
Đề xuất liên quan đến hoạt động đi lại của người dân Hà Nội ngay lập tức được dư luận quan tâm. Anh Trương Quang Trung (39 tuổi, lái xe hãng taxi T.N, Long Biên, Hà Nội) cho rằng: “Hiện nay có thực trạng là người dân ra đường, quan sát điểm dừng trước đèn đỏ nếu không thấy bóng cảnh sát giao thông (CSGT) đâu là bạt mạng phóng qua. Đề xuất này nếu trở thành hiện thực là một cách làm rất hay, sẽ khắc phục được nhiều hạn chế của việc phạt nóng, giảm tiêu cực và nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Làm thế này, nhà nước còn có hình ảnh cụ thể ghi lại tránh bị thất thoát. Tuy nhiên, cơ quan chức năng phải nêu rõ, các hình ảnh này được công bố ở đâu? Có được công khai không? Mức phạt có công bằng không? Vì trong các trường hợp bị phạt thì có không ít những người làm trong cơ quan công quyền, có chức tước hoặc xe cá nhân nhưng có quan hệ quen biết được xử nhẹ khi nộp phạt. Chính vì thế, việc này cần được nghiên cứu kỹ và thông báo để mọi công dân đều được biết rõ ràng, cụ thể”.
Không lạc quan như ý kiến trên, ông Hà Tuấn Nam (Giám đốc một công ty cho thuê xe tự lái ở đường Láng, Đống Đa, Hà Nội) lo lắng: “Làm thế này thì phạt xe hay phạt người vi phạm. Dân cho thuê ô tô tự lái biết xoay xở thế nào. Sau khi khách thuê mấy tháng mới đi khám lưu hành thì làm sao truy lại mà gọi họ đến, yêu cầu họ nộp phạt được. Hay đơn giản như việc cho người này, người nọ mượn xe, khi đi đăng kiểm chủ xe lại phải chịu trách nhiệm thì ai muốn. Rồi trong trường hợp cơ quan phân cho mỗi người một xe thì biết ai phải chịu tiền phạt?”.
Tuy nhiên, nhìn nhận về việc xử phạt nguội vi phạm giao thông qua hệ thống camera, Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội. đánh giá việc thực thi sẽ không dễ dàng bởi nhiều bất cập vẫn tồn tại.
Ông Liên cho hay: “Thực tế về mặt công nghệ thì việc phạt nguội vi phạm giao thông là có thể làm được. Bởi hệ thống máy móc, camera đã được lập trình sẵn chương trình phân tích dữ liệu có thể phát hiện các hành vi vi phạm. Đối với mỗi xe vi phạm, hệ thống đều tự động trích xuất một bản hồ sơ với hình ảnh đính kèm và đầy đủ thông tin như ngày giờ vi phạm, biển kiểm soát, tuyến đường, lỗi vi phạm... Cán bộ trung tâm có thể in bản hồ sơ này để lấy làm căn cứ xử lý phạt nguội.
Tuy nhiên, việc phạt nguội trong thời điểm hiện tại sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi hiện nay, tại Hà Nội và TP HCM còn nhiều bất cập như vấn đề xe không chính chủ. Khi gửi biên bản về cho chủ xe họ sẽ không chấp hành nộp phạt bởi lý do “tôi bán xe rồi, 30 ngày sang tên đổi chủ, người mua xe không sang tên mà vi phạm giao thông thì không thể đổ lỗi cho tôi được”. Thứ 2, việc xử phạt kiểu này sẽ khiến nhiều người dân bị oan, ví dụ như việc xử phạt xe chạy nhanh hay chậm, trên đường Phạm Hùng, trước cửa bến xe Mỹ Đình, quy định xe chạy không dưới 30km/h để không bắt khách dọc đường. Tuy nhiên vì nhiều lý do, xe có thể chạy nhanh hoặc chậm. Chính bản thân tôi đi hội thảo trên xe ô tô cũng phải mất 30 phút để qua được đường Phạm Hùng. Nếu phạt thì nhiều chủ xe sẽ bị oan.
"Hơn nữa, việc xử phạt sẽ mất rất nhiều thời gian của CSGT như truy tìm người vi phạm, ra kho bạc nộp tiền. Nếu ở nước ngoài, người dân xài thẻ tín dụng, thì việc xử phạt là dễ dàng nhưng ở ta là rất khó. Bên cạnh đó, ý thức người dân hiện nay vẫn rất kém, CSGT bắt quả tang trực tiếp hành vi vi phạm giao thông họ còn cãi, huống chi là phạt nguội”, ông Bùi Danh Liên đánh giá".
Cũng theo ông Bùi Danh Liên, chỉ nên thí điểm tại Hà Nội và TP HCM để tuyên truyền cho người dân, qua đó nâng cao ý thức người dân chứ không nên áp dụng đại trà. Bởi nó sẽ gây nên mâu thuẫn giữa cơ quan thực thi nhiệm vụ và người dân.
Trang Lê
Tổng hợp/Theo Người đưa tin