Tần Thủy Hoàng là Hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa sau khi tiêu diệt sáu nước chư hầu. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành sự nghiệp thống nhất Trung Hoa vĩ đại, Tần Thủy Hoàng - người bị ám ảnh bởi bất tử, qua đời ở tuổi 49. Sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời, việc khai quật lăng mộ của ông để nghiên cứu khoa học trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu của các chuyên gia nghiên cứu khoa học. Một trong những công trình lớn mà Tần Thủy Hoàng cho xây dựng là lăng mộ của chính mình.
Nhà sử học thời Hán Tư Mã Thiên đã viết trong cuốn sử ký của mình rằng có khoảng 70 vạn người được điều động cho việc xây dựng lăng mộ. Bố cục của lăng mộ được mô phỏng theo kinh thành Hàm Dương, được chia thành khu nội thành và khu ngoại thành. Tới nay, ngôi mộ chính có chứa xác của Tần Thủy Hoàng vẫn chưa được mở ra với lý do có quá nhiều thủy ngân bên dưới.
Miêu tả về lăng mộ của Tần Thủy Hoàng, Tư Mã Thiên cho biết, chúng bao gồm các bản sao của cung điện và các tháp ngắm cảnh, rất nhiều châu báu, có một trăm dòng sông được làm bằng thủy ngân, và những chiếc nỏ được trang bị để bắn vào bất cứ kẻ nào đột nhập lăng mộ.
Chia sẻ trên Sohu, Hứa Vệ Hồng - trưởng nhóm khảo cổ của Viện Khảo cổ học tỉnh Thiểm Tây ở Trung Quốc cho biết, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra lượng thủy ngân quá mức cho phép nằm trong lòng đất khu vực lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Điều này cho thấy những gì trong sử ký của Tư Mã Thiên là đúng với tình trạng hiện nay. Các nhà nghiên cứu cho rằng, những dòng sông bên trong lăng mộ là Hoàng Hà và Hoài Hà có lẽ là nơi có nhiều thủy ngân nhất.
Trong “Sử ký Tần Thủy Hoàng” có ghi: “Thủy ngân dùng để tạo nên trăm dòng sông, biển cả ở dưới lòng đất, trên có thiên văn, dưới có địa lý, tất cả tạo nên một kết cấu hoàn hảo nhất".
Sau khi nghiên cứu và sử dụng máy thăm dò, các nhà nghiên cứu của Viện khảo cổ học tỉnh Thiểm Tây xác nhận, bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng đúng là có thủy ngân. Tuy nhiên, hàm lượng liệu có phải chứa 100 tấn hay không thì vẫn chưa xác định được.
Trưởng nhóm Hứa Vệ Hồng giải thích, thông qua các phương pháp dò tìm vật lý, họ phát hiện hàm lượng thủy ngân trong lòng đất ở lăng mộ Tần Thủy Hoàng vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Kết hợp với các ghi chép tài liệu, người ta khẳng định thủy ngân từng tồn tại trong cung điện dưới lòng đất của Tần Thủy Hoàng. Hơn nữa, thủy ngân còn được phân bổ ở các địa điểm đặc biệt như lưu vực sông Hoàng Hà và sông Hoài Hà. Đây là hai khu vực có lượng thủy ngân cao hơn so với các nơi khác.
Chính vì lý do đó, nhiều người cho rằng, lượng thủy ngân chủ yếu được tạo ra hai dòng sông Hoàng Hà và Hoài Hà dưới lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. Điều này cũng được ghi chép trong "Sử ký": "Thủy ngân được dùng để tạo nên hàng trăm dòng sông, biển cả dưới lòng đất lăng mộ Tần Thủy Hoàng".
Vào thời nhà Tần, thủy ngân được biết đến với tên gọi là đan sa hay chu sa, là loại khoáng sản được dùng để điều chế thuốc an thần và vào nhiều mục đích khác. Tuy nhiên, việc Tần Thủy Hoàng tìm đâu ra lượng thủy ngân lớn để tạo nên hàng trăm dòng sông trong cung điện dưới lòng đất là điều khiến nhiều người băn khoăn.
Vào thời nhà Tần, có một nữ thương nhân tên Ba Thanh. Ba Thanh vốn là một góa phụ nhưng rất tài giỏi. Bà trở nên giàu có nhờ điều hành mỏ thủy ngân của gia đình. Nhờ đó, Ba Thanh được Tần Thủy Hoàng rất kính nể thậm chí còn cho bà danh xưng "trinh phụ". Chính Ba Thanh là người cung cấp một lượng lớn thủy ngân cho Tần Thủy Hoàng để tạo ra những con sông dưới lòng đất trong lăng mộ của ông.