Cố cung Bắc Kinh hay còn gọi là Tử Cấm Thành được xây dựng vào năm Vĩnh Lạc thứ 18, thời nhà Minh với tổng diện tích 720.000 mét vuông (180 mẫu), là quần thể công trình cổ có kết cấu bằng gỗ lớn nhất và hoàn chỉnh nhất trên thế giới. Ngày nay, Tử Cấm Thành bao gồm Bảo tàng Cố cung, từng là hoàng cung và nơi cư trú mùa đông của các Hoàng đế Trung Hoa từ thời nhà Minh (bắt đầu từ Vĩnh Lạc Đế) tới cuối thời nhà Thanh.
Đây vừa là nhà của các Hoàng đế cùng gia đình, vừa là trung tâm nghi lễ và chính trị của chính phủ Trung Quốc trong suốt 500 năm. Tử Cấm Thành được xây dựng từ năm 1406 đến năm 1420, gồm 980 tòa nhà được cho là có 9.999 phòng và chiếm diện tích 72 ha (hơn 180 mẫu).
Tử Cấm Thành là minh chứng cho sự xa hoa của các Hoàng đế Trung Hoa từng sinh sống. Tử Cấm Thành được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1987, Từ năm 1925, Tử Cấm Thành thuộc quyền quản lý của Bảo tàng Cố Cung, nơi có một bộ sưu tập phong phú các tác phẩm nghệ thuật, hiện vật, được tập hợp dựa trên các bộ sưu tập thời Minh, Thanh.
Ngày nay, nhiều người tò mò về việc vì sao giữa khuôn viên Tử Cấm Thành rộng lớn như vậy nhưng lại không có một bóng cây xanh nào. Đặc biệt hơn cả là điện Thái Hòa, Trung Hòa, Bảo Hòa cũng đều không có cây xanh nào được trồng. Về vấn đề này, các nhà sử học đã nêu ra ba nguyên nhân chính.
Nhà sử học Kỉ Liên Hải chia sẻ trên Sohu cho biết, việc không trồng cây xanh trong ba sảnh chính ở Tử Cấm Thành của Bắc Kinh đã có quy định từ thời phong kiến.
Thứ nhất, gạch lát sàn ở quảng trường Tử Cấm Thành được lát 15 lớp để ngăn chặn sát thủ đào hầm ngầm vào hoàng cung nhằm tấn công hoàng thích. Nếu trồng cây cối, chúng sẽ vô tình phá hủy hệ thống an ninh của Tử Cấm Thành, tạo ra cơ hội cho các sát thủ. Không những thế, các quan lại sẽ xếp hàng ở Viên Môn vào lúc 3, 4 giờ sáng để chờ giờ thiết triều, gặp hoàng đế. Nếu vào mùa đông ngày ngắn đêm dài, xung quanh Viên Môn sẽ rất tối tăm, tạo điều kiện thuận lợi cho các sát thủ ẩn náu nhằm thực hiện các vụ ám sát thì hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc.
Vào thời phong kiến, việc đề phòng sát thủ được coi là vấn đề quan trọng hàng đầu. Do đó, việc trồng cây xanh đã được hoàng đế cân nhắc ngay từ đầu nhằm bảo vệ hoàng cung.
Thứ hai, việc không trồng cây xanh trong ba sảnh chính của Tử Cấm Thành là đề phòng hỏa hoạn. Nếu trồng cây cối, vào mùa hanh khô sẽ rất dễ xảy ra các vấn đề hỏa hoạn, lúc đó thì khó mà cứu được những lăng tẩm, cung điện xung quanh thậm chí còn gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Ngoài ra, việc ra - vào triều là một việc rất rườm rà, đặc biệt là vào thời nhà Thanh. Quảng trường phía trước là nơi đứng của tất cả các quan lại dân sự và quân sự, các quan chức Mãn Châu và Hán sẽ tập hợp lại với nhau trước khi vào triều.
Trong khi đó, các hoạn quan lại có nhiệm vụ "trừu hưởng tiên" (quất roi ba lần trước cửa cung). Nhiều người cho rằng, việc làm này không thích hợp vì vướng cây cối sẽ ảnh hưởng đến công việc của các thái giám. Hơn nữa, trong khi quan lại vào thiết triều nếu thấy cảnh hoạn quan quất roi xuống sàn gạch được cho là không hay. Theo Sina, thái giám là người đảm nhận việc quất roi trước cửa cung điện, roi phải quất ba lần, mỗi roi không những phải to mà còn phải giòn, có lực. Đât là một bộ thủ tục nghi thức, mục đích là để thể hiện sự uy nghiêm và quyền lực của quốc vương. Trước mỗi lần thiết triều, các hoạn quan được huấn luyện đặc biệt sẽ hoàn thành nghi thức này.
Thứ ba, lý do chính là liên quan đến Phong thủy. Theo ngũ hành, mộc khắc thổ, mà ghế hoàng đế ngồi có hình dáng tương tự, nếu trồng cây tạo ra những ô vuông sẽ gây bất lợi cho hoàng đế. Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng, hình dạng của Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh trùng hợp với chữ Vi trong tiếng Trung Quốc. Nếu trồng cây xanh sẽ tạo thành chữ khốn. Điều này ám chỉ việc nhốt hoàng đế vào Tử Cấm Thành hay đồng nghĩa với việc con người bị mắc kẹt không thể thoát ra được. Do đó, việc trồng cây xanh ở Tử Cấm Thành bị hủy bỏ.