Vào ngày 30/4/1975 lịch sử, tại Sài Gòn, bà Demulder là phóng viên duy nhất chụp được khoảnh khắc chiếc xe tăng 390 của Quân đội Nhân dân Việt Nam húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập. Bức ảnh của bà được đăng tải trên báo chí khắp thế giới, trở thành biểu tượng cho sự thất bại của Mỹ và đánh dấu sự kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Hồi trẻ, bà Demulder từng là sinh viên ngành triết học, sở hữu dáng người cao, gầy cùng mái tóc nâu dài. Nhiều người nhận xét bà rất giống nữ ca sĩ Francoise Hardy - một trong những ngôi sao hàng đầu của Pháp thời bấy giờ.
Trước khi trở thành phóng viên ảnh, bà Demulder từng có một thời gian ngắn làm người mẫu nghiệp dư. Sau đó, chính vì niềm đam mê với du lịch đã đưa bà đến với nhiếp ảnh. Mặc dù khởi đầu không hề có kinh nghiệm, nhưng nhờ học hỏi và thường xuyên trau dồi, bà Demulder đã dần tạo dựng được tên tuổi của mình.
Bà Demulder, cùng với các đồng nghiệp là Catherine Leroy và Christine Spengler, đã trở thành những ngôi sao của 3 cơ quan Sygma, Gamma và Sipa có trụ sở tại Paris, biến Thủ đô nước Pháp trở thành trung tâm phóng sự ảnh thế giới, trong những năm 1970 và 1980. Bà Demulder là một trong số ít các nữ nhiếp ảnh gia bắt đầu sự nghiệp từ chiến tranh Việt Nam. Được truyền cảm hứng bởi những bức ảnh của các phóng viên như Larry Burrows, Don McCullin (đều là người Anh), Cathy Leroy (người Paris), bà Demulder đã mua vé máy bay một chiều tới Sài Gòn vào năm 1969.
Tại Việt Nam, bà Demulder làm việc dưới sự dẫn dắt của Horst Faas, một phóng viên ảnh huyền thoại, người là Trưởng đại diện Hãng thông tấn Associated Press ở Sài Gòn khi đó. Robert Stevens, người biên tập các bức ảnh của bà ở Tạp chí Time kể lại rằng, trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, bà Demulder đã chụp những bức ảnh khác thường về cái chết và sự tàn phá khủng khiếp. Qua những bức ảnh của mình, bà đã góp phần mở đường cho việc chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Trước ngày 30/4/1975, khi phần lớn các nhà báo và phóng viên ảnh nước ngoài rời Sài Gòn để đảm bảo an toàn, bà Demulder vẫn cố bám trụ. Trưa 30/4/1975, khi xe tăng của quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, bà Demulder đã chụp được khoảnh khắc chiếc xe húc đổ cánh cổng chính của dinh thự. Khi nữ phóng viên chụp bức hình “đắt giá” này, trong dinh có một số phóng viên nước ngoài nhưng tất cả họ đều không dám đưa máy lên vì sợ rằng những người lính từ xa không phân biệt được đó là máy quay phim hay là súng chống tăng.
Đặc biệt, vào năm1995, sau 20 năm chiến tranh kết thúc, bà Demulder đã trở lại Việt Nam, mang theo các bức ảnh tư liệu mà bà chụp được và một nhầm lẫn lịch sử đã được đính chính. Chiếc xe tăng húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập là xe tăng mang số hiệu 390, chứ không phải chiếc 843 như đã được công nhận trước đó. Cũng trong chuyến trở lại Việt Nam, bà Demulder tìm lại những người lính đã có mặt trên chiếc xe tăng 390 và có cuộc gặp gỡ đầy xúc động với họ.
Ngoài chiến trường Việt Nam, bà Demulder từng thâm nhập nhiều vùng chiến sự nóng bỏng khác. Bên cạnh Đông Nam Á và Trung Quốc, bà còn đưa tin về các sự kiện tại Cuba, Pakistan, Ethiopia. Bà Demulder luôn không thể hiện sự thông cảm công khai với bất kỳ một bên nào trong bất kỳ cuộc xung đột nào. Thay vào đó, bà luôn đứng về những thường dân vô tội. Nữ phóng viên từng nói bản thân rất ghét chiến tranh “nhưng cảm thấy có nghĩa vụ phải nêu bật thực tế rằng người vô tội luôn gặp khổ đau, trong khi người quyền lực thì ngày càng giàu lên”.
Bức ảnh nổi tiếng nhất của bà Demulder là "Distress in Lebanon”, chụp một phụ nữ Palestine đang cầu xin một người lính Phalangist, trong khi quê hương Beirut của cô đang bốc cháy ở phía sau. Bức ảnh không chỉ cho thấy sự tàn phá của chiến tranh mà còn cho thấy nỗi khổ đau của những người vô tội. Với “Distress in Lebanon”, bà Demulder đã trở thành nữ phóng viên đầu tiên được trao giải Ảnh báo chí thế giới (WPPA) vào năm 1976.
Với tài năng và sự xinh đẹp của mình, bà Demulder không bao giờ thiếu những người ngưỡng mộ là nam giới, song bà chọn sống một mình và không kết hôn. Cuộc đời của bà đã truyền cảm hứng cho Alan Cowell, phóng viên của New York Times, sáng tác cuốn tiểu thuyết có tựa đề A Walking Guide xuất bản năm 2003. Sau đó, Michael Alan Lerner, cựu phóng viên Newsweek, cũng dựa trên hình tượng bà Demulder để xây dựng nhân vật nữ chính trong bộ phim Deadlines.
Năm 2008, bà Demulder qua đời ở tuổi 61 tại Paris, Pháp, sau một thời gian điều trị bệnh ung thư. Trong điếu văn đọc tại lễ tang của nữ phóng viên, Bộ trưởng Văn hóa Pháp- Christine Albanel xúc động nói: “Nước Pháp đã mất đi một người phụ nữ đáng nể trọng, một nữ nhiếp ảnh gia vĩ đại và một phóng viên chiến trường dũng cảm nhất”.