Nicolas Henin, một bạn tù cũ của Peter Kassig và John Cantlie đã tiết lộ những chi tiết riêng tư về cuộc sống của họ khi bị Nhà nước Hồi giáo bắt làm con tin.
Henin, 39 tuổi, một nhà báo tự do người Pháp đã bị giam 4 tháng cùng với Kassig, một nhân viên cứu trợ người Mỹ và John Cantlie, một nhà báo người Anh.
Ông cũng từng bị bỏ tù cùng vơi Alan Henning, David Haines, Steven Sotloff và James Foley, những nhân viên cứu trợ và nhà báo phương Tây từng xuất hiện trong clip tuyên truyền chống phương Tây của Nhà nước Hồi giáo IS.
Henin cho biết Peter Kassig , con tin phương Tây tiếp theo trong danh sách bị IS sát hại giờ đây là một người mộ đạo Hồi. Anh cầu nguyện 5 lần/ngày và ăn chay 2 lần/tuần mặc dù đã bị những kẻ bắt cóc bỏ đói.
Peter Kassig, 26 tuổi đã đổi tên thành Abdul Rahman là một trong số những tù binh phương Tây đã cải sang đạo Hồi khi bị IS bắt giam tại Syria.
Phát biểu chỉ vài ngày sau khi Kassig xuất hiện trong video tuyên truyền của IS và bị đe dọa là người phương Tây tiếp theo sẽ bị giết, Henin – người đã được thả ra hồi tháng 4 năm nay theo một thỏa thuận đảm bảo của chính phủ Pháp – đã tiết lộ những chi tiết về cuộc sống khi bị bắt làm con tin của họ.
Kassig đã thành lập một tổ chức cứu trợ để giúp đỡ người tị nạn Syria
Những người đàn ông này bị giam riêng trong những xà lim tăm tối. Có một chiếc thùng ở góc phòng để họ đi vệ sinh và họ phải ăn thực phẩm hỏng để tồn tại.
Thói quen của họ hàng ngày là chờ đợi thức ăn bởi họ chưa bao giờ được ăn đủ. “Peter đã chia rất nhiều đồ ăn của mình cho những người khác nhưng luôn tìm kiếm đồ ngọt. Anh ấy luôn tìm kiếm thêm mứt để đổi lấy những thứ có vị mặn”.
Những ngày tháng ấy trôi đi trong sự nhàm chán và khiếp sợ, Henin nói.
Vào ban ngày, họ không có gì để làm. Henin nói rằng anh ấy đã nghĩ ra một trò chơi thô sơ dựa trên những mảnh bìa các tông.
Những lúc khác, môt hoặc nhiều con tin trở thành trò tiêu khiển cho các lính gác. Họ thường xuyên bị đánh đập.
Trong môi trường này, một số con tin, kể cả Peter đã tìm thấy niềm an ủi khi thực hành đạo Hồi. Henin nói: “Trong nhóm con tin chúng tôi có vài người đã cải đạo và họ thực hành đạo Hồi như một thói quen cần thiết”.
“Họ thực hành cầu nguyện 5 lần hàng ngày, thậm chí, đôi khi còn thực hành 2 lần cầu nguyện thêm không bắt buộc vào ban đêm”.
“Đôi khi, họ còn ăn chay vào thứ hai và thứ năm, đây là lễ ăn chay thêm. Cũng giống như trong Thánh lễ Hồi giáo Ramadan, họ sẽ không ăn uống gì từ khi mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn… như những thầy tu Hồi giáo thực thụ hay tận tâm theo đạo Hồi”.
Trong khi Henin không nói tỉ mỉ về những con tin khác đã cải đạo, anh nói rất chi tiết và riêng tư về việc Kassig từ một người đàn ông từng phục vụ trong quân đội Mỹ đã trở thành một tín độ sùng đạo như thế nào.
Henin nói rằng việc cải đạo của Kassig được thúc đẩy bởi mong muốn trở thành người Hồi giáo và không bị những kẻ bắt cóc ép buộc.
“Tất cả những kẻ bắt cóc chúng tôi không phải ai cũng giỏi tâm lý. Nhưng họ rất giỏi trong việc ngăn chúng tôi khỏi hội chứng Stockholm (Hội chứng Stockholm là thuật ngữ mô tả một trạng thái tâm lý, trong đó người bị bắt cóc lâu ngày chuyển từ sợ hãi và căm ghét sang thông cảm và quý mến chính kẻ bắt cóc mình)”. Henin ngụ ý rằng những kẻ bắt cóc quá tồi tệ khiến họ không thể nào cảm thấy gần gũi với cai ngục.
“Peter cải đạo ngay sau khi bị bắt. Lần đầu gặp anh ấy (tháng 12 năm ngoái), anh ấy giới thiệu minh là Abdul Rahman, tên gọi này anh ấy quyết định đổi sang sau khi cải đạo”, Henin nói.
Kassig bị IS bắt giữ ngày 1/10 tại tỉnh Deir Ezzer, phía đông Syria. Tại đó, anh ấy làm viện trợ nhân đạo.
Sau khi được quân đội Mỹ phóng thích danh dự, Kassig được đào tạo lại trở thành kỹ thuật viên y tế và tới Lebanon để làm tình nguyện trong lĩnh vực này. Hè năm 2013, anh tới thị trấn Gaziantep, giáp biên với Thổ Nhĩ Kỳ và thành lập SERA (tổ chức Ứng cứu và Hỗ trợ Khẩn cấp Đặc biệt), một tổ chức phi chính phủ chuyên cứu trợ nhân đạo cho người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc nội chiến lan rộng tại Syria.
Henin cho biết: “Anh ấy đến Syria có lẽ vì lý tưởng, vì anh ấy nghĩ rằng anh ấy có thể giúp đỡ mọi người. Và tôi nghĩ, anh ấy chắc chắn đã làm rất tốt công việc của mình trước khi bị bắt”.
“Đó là cùng một sự bất công mà chúng tôi thấy ở Alan Henning và tất cả những người khác. Ý tôi là, những người đó muốn giúp những người Syria. Đó là thiện chí”.
Những con tin trước đây cho rằng IS nhận thấy sự cải đạo của những kẻ bị giam cầm “cứng đầu” khiến việc tiếp tục giữ họ làm con tin sẽ khó khăn hơn. Nhưng cuối cùng thì vẫn không có cách đối xử khác biệt nào dành cho họ.
Các lãnh tụ Hồi giáo hàng đầu nước Anh đã lên án hành động của IS tháng trước và yêu cầu họ thả tự do cho Alan Henning – người đã bị bắt khi đang lái xe vận tải hàng viện trợ tới Syria. Tuy nhiên, các chiến binh thánh chiến đã giết chết anh ấy bất chấp tất cả.
“Đối với những kẻ bắt cóc khác, tôi có cảm giác sự cải đạo không tạo ra sự khác biệt, thậm chí ngay cả khi nó được giải thích với chúng tôi rằng kể từ khi bạn cải đạo sau khi bị bắt, nó sẽ được gửi tới Chúa để đánh giá sự chân thành trong đức tin của bạn. Nhưng chúng tôi không thể lấy nó để đánh giá.
“Vấn đề là IS đang giết những người Hồi giáo mỗi ngày. Hầu hết nạn nhân của IS là người Hồi giáo”, Henin nói về những hành động ngày càng làm leo thang xung đột của tổ chức cực đoan này.
Bảo Linh/Người đưa tin (tin tức Telegraph)