Đường Nhuệ ở phòng riêng, toát mồ hôi khi bị chất vấn căng thẳng
Sáng 11.5, tại Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình, Tòa án Nhân dân dân Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản đối với vợ chồng bị cáo Nguyễn Văn Lẫm và vợ là Phạm Thị Quyết.
Bị can Nguyễn Xuân Đường (tức Đường Nhuệ, SN 1971, trú tại số 366 đường Lê Quý Đôn, TP Thái Bình) – người đang bị khởi tố, tạm giam ở vụ án khác - được triệu tập đến tòa với tư cách người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.
Tại phiên tòa, Nguyễn Xuân Đường được ngồi ở phòng riêng, truyền hình trực tiếp đến phiên tòa qua màn hình tivi.
Sau khi Chủ tọa phiên tòa chất vấn Nguyễn Xuân Đường, đại diện Viện Kiểm sát Nhân Dân Cấp cao tại Hà Nội – ông Phạm Văn Hoàng đề nghị Nguyễn Xuân Đường trả lời 3 câu hỏi liên quan đến việc chiếm đóng và cho người chiếm đóng Công ty Lâm Quyết vào tháng 10.2018. Tuy nhiên, Nguyễn Xuân Đường tỏ ra căng thẳng, liên tục lấy tay, áo lau mồ hôi, trả lời quanh co với lý do không nghe rõ câu hỏi.
Sới bạc “khủng” trong căn nhà hai tầng được cảnh giới nghiêm
Ngày 11/5, Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) cho biết, đơn vị vừa chủ trì phối hợp với Công an huyện Quế Phong triệt xóa thành công đường dây đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa có quy mô lớn trên địa bàn huyện Quế Phong.
Trước đó, giữa tháng 4/2020, qua công tác nắm tình hình, Phòng CSHS phát hiện trên địa bàn huyện Quế Phong nổi lên đường dây đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa, quy tụ hàng chục con bạc tham gia.
Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát xác minh được đây là đường dây đánh bạc chuyên nghiệp, thường xuyên thay đổi địa điểm tổ chức đánh bạc, số lượng người chơi ngày càng tăng.
Trung bình mỗi ngày các đối tượng tham gia đánh từ 30 - 70 triệu đồng. Để tránh bị phát hiện, chúng bố trí người cảnh giới ở vòng ngoài.
Trước thủ đoạn tinh vi của các đối tượng đánh bạc, những trinh sát phòng CSHS đã tăng cường bám địa bàn, đồng thời phối hợp với Công an huyện Quế Phong khẩn trương tiến hành điều tra.
Sau nhiều ngày nỗ lực xác minh, Cơ quan công an đã làm rõ các đối tượng cầm đầu gồm: Phùng Bá Dũng (SN 1983), Ngô Sỹ Bách (SN 1990), cùng trú tại khối Nam Sơn, thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong; Nguyễn Văn Tuấn (SN 1996), trú tại xóm Phong Quang, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong.
Đây là 3 đối tượng đánh bạc chuyên nghiệp, vô cùng liều lĩnh và manh động.
Vụ bí thư xã dựng hiện trường giả: Nợ hơn 10 tỷ đồng, sát hại cháu, đốt xe để lấy tiền bảo hiểm 18 tỷ
Sáng 11/5, Công an tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo thông báo về vụ bí thư xã giết người, dựng hiện trường giả tại Km 146+300, Quốc lộ 28, thuộc bon B’Nor, xã Đắk Son, huyện Đăk Glong, Đắk Nông.
Tại buổi họp báo, thượng tá Nguyễn Trường Vũ - phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, khẳng định vụ án đặc biệt gây chú ý đối với dư luận này là vụ giết người, mượn xác để nhận tiền bồi thường.
Cụ thể, trên VTC Online cung cấp thông tin Giám đốc Công an tỉnh cho biết, ông Đỗ Văn Minh (49 tuổi, Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) nợ tiền kinh doanh online cà phê trên mạng số tiền hơn 10 tỷ đồng. Do đó, ông Minh đã vạch kế hoạch mua bảo hiểm và tạo hiện trường giả về vụ cháy xe, có người chết.
Theo đó, ngày 4/5, người dân phát hiện một xe bán tải bốc cháy bên lề đường quốc lộ 28. Bên trong có một thi thể ở ghế tài xế chết cháy, xương đã thành than.
Sau đó, người nhà của ông Minh đã trực tiếp tới hiện trường và phát hiện các vật dụng cá nhân liên quan nên nghĩ thi thể trong xe là của ông Minh và tổ chức đám tang cho nạn nhân được cho là ông Minh.
Tuy nhiên qua các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh Đắk Nông nhận định đây không phải là vụ Tai nạn giao thông mà đây là vụ giết người, đốt xác để phi tang, tạo hiện trường giả.
Qua nắm bắt hiện trường và điều tra thì công an phát hiện, đầu năm 2020, ông Đỗ Văn Minh có mua bảo hiểm có giá trị lớn (khoảng hơn 200 triệu đồng/năm). Thông tin trên báo Tuổi Trẻ cho biết, với gói bảo hiểm này nếu ông này chết thì sẽ hưởng một số tiền khoảng 18 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tại khu vực chòi rẫy của ông Minh thì anh Trần Nho Vương (25 tuổi, trú thôn Đan Hà, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà, Đắk Nông) mất tích từ đêm trước khi xe bán tải bị cháy.
Đến ngày 10/5, ông Đỗ Văn Minh bị bắt vì được cho là liên quan đến cái chết của anh Trần Nho Vương và được đưa về nhà tại thôn Tân Đức (xã Tân Hà, huyện Lâm Hà) để khám xét.
Gian lận thi cử ở Sơn La: Bổ sung thêm tội danh, luân chuyển cán bộ liên quan
Theo cáo trạng vừa được Viện KSND tỉnh Sơn La hoàn thành, ngoài truy tố tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”, Viện KSND tỉnh Sơn La bổ sung thêm 2 tội danh là “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ” đối với 7 bị can.
Đại diện Viện KSND tỉnh Sơn La cho biết, việc làm rõ tội danh đưa và nhận hối lộ đối với các bị can nói trên phù hợp với những diễn biến, tình tiết mới của vụ án sau phiên tòa xét xử vào tháng 10/2019.
Cụ thể, 4 người hầu tòa với tội “đưa hối lộ” là Nguyễn Minh Khoa (nguyên cán bộ Công an tỉnh Sơn La), Hoàng Thị Thành (cán bộ Hội nông dân huyện Quỳnh Nhai), Trần Văn Điện (giáo viên), Lò Thị Trường (làm tự do).
Đối với tội danh “nhận hối lộ” có 3 bị can là Lò Văn Huynh (cựu Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT), Cầm Thị Bun Sọn (cựu Phó trưởng Phòng Chính trị Tư tưởng) Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng).
Theo cáo trạng, tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 tổ chức tại Sơn La, 12 người vì động cơ vụ lợi và lợi dụng chức vụ nên cùng nhau nhận thông tin, tác động nâng điểm cho 44 thí sinh.
Bị can Nga khi thực hiện nhiệm vụ đã nhận 1,04 tỷ đồng của ông Điện để nâng điểm cho bốn thí sinh. Tương tự, bị can Huynh là phó ban chấm thi nhưng khi làm nhiệm vụ đã thoả thuận, nhận 1,3 tỷ đồng từ Trường và Khoa để nâng điểm cho ba thí sinh.
Hành vi của Nga và Huynh bị cáo buộc phạm tội “nhận hối lộ”. Với số tiền nhận hơn 1 tỷ đồng, hai bị can bị truy tố tới mức tử hình.
Trong khi đó, bị can Sọn trước khi chấm thi trực tiếp thoả thuận và nhận nâng điểm cho con trai bà Thành với giá 440 triệu đồng.