Bệnh nhân mắc Covid-19 không qua khỏi vì suy thận mạn tính và mắc COVID-19
Sáng 06/8/2020, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng thông tin về trường hợp không qua khỏi của bệnh nhân mắc COVID-19.
Theo đó, đây là bệnh nhân nữ, 67 tuổi, quê quán: Duy Xuyên, Quảng Nam.
Bệnh nhân có t iền sử suy thận mạn tính, Lupus ban đỏ, đái tháo đường type 2, nhiễm nấm máu. Ngày 18/7/2020, bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại Khoa Nội Thận, Bệnh viện Đà Nẵng. Sau đó bệnh nhân được Bệnh viện Đà Nẵng chuyển đến Bệnh viện Gia đình. Từ thời điểm đó đến ngày 31/7/2020 bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Gia đình.
Ảnh minh họa
Ngày 02/8, bệnh nhân có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2, được chuyển ngay vào Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 03/8, bệnh nhân lơ mơ, thể trạng suy kiệt, loét vùng cẳng tay và cẳng bàn chân, xuất huyết dưới da cẳng tay hai bên, khó thở nhẹ.Ngày 04/8, bệnh nhân suy hô hấp, được đặt nội khí quản, thở máy.
Ngày 06/8, 0h45, bệnh nhân hôn mê sâu, suy hô hấp, tím da đầu chi, nhịp tim chậm dần rồi ngưng, không đo được huyết áp, hồi sinh tim, phổi không hiệu quả; 1:30 phút, bệnh nhân tử vong.
Về chẩn đoán tử vong, bệnh nhân viêm phổi, suy hô hấp trên bệnh nhân suy thượng thận mạn tính, đái tháo đường type 2 và COVID-19. Đây là ca tử vong thứ 9 ở các bệnh nhân mắc COVID-19.
Xuyên đêm tìm người tiếp xúc với ca nhiễm mới ở Hà Nội
Bệnh nhân 714 là B.Đ.T. (nam, 42 tuổi), ở Hà Nội, nhân viên điều hành xe buýt. Ông này từng đi du lịch cùng gia đình tại Đà Nẵng từ ngày 14-17/7. Ngày 19/7, bệnh nhân sốt nhẹ, viêm họng. Ngày 4/8, ông được lấy mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Đông Anh, Hà Nội) và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC), đánh giá đây là trường hợp rất đáng ngại. Bệnh nhân này có biểu hiện bệnh từ rất sớm (ngày 19/7) nhưng đến ngày 5/8 mới được xác định dương tính và cách ly. Tức là bệnh nhân có khoảng 2 tuần di chuyển ngoài cộng đồng.
Khu vực nơi ở của ca nghi nhiễm Covid -19 ở Hà Nội đã được tổ chức cách ly, phun thuốc khử khuẩn. Các trường hợp F1 và F2 này sẽ đưa đi cách ly ngay ở Trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: FB
Từ khi về Hà Nội cho đến khi được cách ly, ông T. đến nhiều nơi đông người như liên hoan với bạn tại 168 Trần Vỹ, Mai Dịch và hát karaoke tại A99 Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm.
Từ ngày 3-4/8, bệnh nhân đến rất nhiều bệnh viện như Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an (tại Trung Văn, Nam Từ Liêm), Bệnh viện Hà Đông, Bệnh viện Phổi Hà Nội rồi sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 2 xét nghiệm, cách ly.
Ông Tuấn cho biết, bệnh nhân đi nhiều nơi tại quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm với lịch trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc rất nhiều người.
"Người này đi rất nhiều nơi, lực lượng y tế, cán bộ của các xã, phường toàn thành phố đi suốt đêm qua để rà soát mà vẫn chưa hết được số trường hợp tiếp xúc", trên Zingnews.vn dẫn lời ông Tuấn nói.
Lịch trình di chuyển dày đặc của 4 người trong gia đình mắc Covid-19 ở Lạng Sơn
Chiều 5/8, Bộ Y tế đã công bố 4 ca bệnh mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là bệnh nhân từ 675 đến 678, từng đi du lịch ở Đà Nẵng về.
Hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Liên quan đến các trường hợp này, ngay sau khi nhận được thông tin, Sở Y tế Lạng Sơn, CDC Lạng Sơn và các địa phương đã tiến hành điều tra dịch tễ cụ thể. Theo đó, đây là 4 thành viên gồm bố mẹ và 2 con trong một gia đình ở khu 7, thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập.
Trong đó, chồng là ông V.H.L (BN 675) và vợ là bà H.T.H (BN 678) cùng 2 con.
Dịch COVID-19 có thể đạt đỉnh trong 10 ngày tới?
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Số lượng bệnh nhân sẽ còn tăng lên và đến đỉnh dịch trong vòng 10 ngày tới. Hiện tại, không thể chủ quan, mặc dù công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch đã được thực hiện hết sức quyết liệt.
Qua phân tích sự lây nhiễm của virus, ngành y tế khuyến cáo trong 10 ngày tới, người dân cần hết sức cẩn thận và thực hiện nghiêm những khuyến cáo phòng bệnh; việc truy vết, điều trị bệnh nhân nặng và các khuyến cáo đến với người dân tuân thủ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại TP Đà Nẵng vẫn phải được thực hiện một cách quyết liệt.
Ảnh minh họa
Trước diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã phản ứng rất nhanh với dịch COVID-19 tại Đà Nẵng, ngay từ khi bắt đầu dịch Bộ Y tế đã cử 6 đội chuyên trách của Bộ Y tế thuộc các bệnh viện, Vụ, Cục, Viện của Bộ Y tế đến Đà Nẵng.
Trước đó, vào ngày 30/7, Bộ Y tế đã cử Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế với nhiệm vụ toàn quyền huy động nhân lực nguồn lực phục vụ phòng chống dịch gồm 4 đội: đội xét nghiệm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TPHCM, Viện Pasteur Nha Trang), đội điều trị (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy), đội giám sát truy vết (Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương), đội truyền thông. Trong đó đội truyền thông là sự khác biệt so với giai đoạn 1 với mong muốn đem những thông tin chính thống một cách trung thực và nhanh chóng đến với người dân để người dân hiểu những nỗ lực của cả ngành y tế
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm: Đối với giai đoạn 2 của đợt dịch COVID-19 này, sự khởi phát từ bệnh viện và rất nhiều bệnh nhân, người nhà nhiễm bệnh và cả những nhân viên y tế tiếp xúc cũng bị nhiễm, rất nhiều bệnh nhân nặng do bệnh nhiều lý nền. Vì vây, việc truy vết trong cộng đồng đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều chuyên gia. Bên cạnh sử dụng nhân lực tại Đà Nẵng rất cần sự chi viện từ Trung ương, các bệnh viện đến để tham gia hỗ trợ điều trị và xây dựng những cơ sở tiếp nhận bệnh nhân COVID-19.
Bộ Y tế đã cử những chuyên gia hàng đầu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hỗ trợ công tác truy vết tại cộng đồng như xây dựng kế hoạch, phân khu cách ly và truy vết những trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.