Thông báo thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên đã gây chấn động thế giới - chưa kể một trận động đất khá lớn ở khu vực này. Nhưng liệu khẳng định của Bình Nhưỡng có đáng tin? Nguy cơ mà Triều Tiên đặt ra hiện nay là gì?
Điều này thực sự là gì?
Dù có thử hay không thì thông báo của Triều Tiên là nhằm gửi một thông điệp đến với người dân trong nước và cả quốc tế.
Chủ tịch Kim Jong-un muốn củng cố địa vị của mình tại quê nhà đồng thời muốn thế giới thấy rằng Bình Nhưỡng là một lực lượng đáng tin, theo các nhà phân tích.
Theo ông Francois Heisbourg, một cố vấn đặc biệt tại Quỹ Nghiên cứu chiến lược ở Paris cho rằng Triều Tiên có lý do riêng của mình để răn đe các thế lực gây hấn bên ngoài. "Đây là sự thị uy sức mạnh".
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un từng nói về việc nước này sở hữu một quả bom nhiệt hạch hồi tháng 12/2015. Ảnh: AP |
Cục diện có thay đổi?
Triều Tiên chưa phải một cường quốc hạt nhân nhưng đang làm việc tích cực để đạt được điều đó.
Đất nước này được cho là có một số ít các đầu đạn hạt nhân và trước đó đã thực hiện 3 vụ thử hạt nhân từ năm 2006 nên phải chịu trừng phạt từ Liên hợp quốc.
Điều đó không có nghĩa là Triều Tiên có tất cả: Bình Nhưỡng thiếu công nghệ tên lửa để khởi động những vũ khí tầm xa, theo các chuyên gia và quan chức phương Tây.
Ông Heisbourg nói rằng: "Họ không có kho vũ khí hạt nhân - có khả năng trong thời gian này họ đang sản xuất các thiết bị hạt nhân mà họ biết cách kích nổ. Vẫn chưa rõ khả năng vận hành các thiết bị này như thế nào để có thể gắn chúng vào đầu một quả tên lửa và bắn ai đó".
Tuy nhiên, ông Heisbourg nói rằng Triều Tiên "đang trên đường" tiến tới khả năng đó.
"Đó là câu hỏi của nhiều năm chứ không phải là câu hỏi của nhiều thập kỷ", ông nói.
Nếu xác thực, vụ thử hôm 6/1 sẽ đánh dấu là vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên, liên quan đến bom nhiệt hạch.
Bom nhiệt hạch có khả năng tàn phá lớn hơn so với 2 quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki trong Chiến tranh Thế giới II.
Triều Tiên cũng gặp phải nhiều khó khăn hơn để thực hiện điều này. Đó cũng là lý do tại sao nhiều nhà phân tích lại hoài nghi về tuyên bố của Triều Tiên.
Nhà Trắng nằm trong số bày tỏ hoài nghi về sự kiện hôm 6/1. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói rằng phân tích ban đầu của chính phủ Mỹ dựa trên hoạt động ngầm ở Triều Tiên thì tuyên bố của nước này là "không phù hợp".
Ông cũng nói thêm rằng không có gì xảy ra trong vòng 24 giờ làm thay đổi đánh giá của Washington về khả năng quặn của Bình Nhưỡng nhưng chính phủ Mỹ vẫn đang thu thập thêm thông tin.
Tại sao lại hoài nghi?
Một vụ thử bom nhiệt hạch thành công chắc chắn sẽ là một hành động phi thường của Bình Nhưỡng trong việc cải thiện kho vũ khí hạt nhân vẫn còn hạn chế của mình.
Tuy nhiên, những tuyên bố của ông Kim về một quả bom nhiệt hạch nhanh chóng đi vào lãng quên. Các quan chức tỉnh báo và quốc phòng cao cấp của Mỹ đã "dội nước lạnh" lên thông báo hồi tháng 12 của ông, nói rằng Bình Nhưỡng đã phát triển được một quả bom nhiệt hạch. Nhưng nghi ngờ tương tự cũng xuất hiện gần như ngay lập tức sau khi Triều Tiên tự hào rằng "đất trời đang rung chuyển trước cuộc thử nghiệm hôm 6/1 của họ.
Đầu tiên, các chuyên gia nói rằng Triều Tiên có xu hướng phóng đại sức mạnh hạt nhân của mình và thiếu năng lực công nghệ để sản xuất ra một quả bom nhiệt hạch.
Chỉ các cường quốc hạt nhân ban đầu - Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc - mới có thể phát triển được bom nhiệt hạch thực sự. Các quốc gia hạt nhân khác, chẳng hạn như Ấn Độ hay Pakistan cũng không có khả năng này.
"Tôi không tin họ đã cho nổ một quả bom nhiệt hạch", ông Jin Canrong, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH Nhân dân Bắc Kinh cho biết.
Ông Jin so sánh tác động địa chấn của cuộc thử nghiệm mới nhât này với một vụ thử năm 2013 có liên quan tới một quả bom nguyên tử. "Họ có thể vừa cho nổ một quả bom nguyên tử nhỏ", ông nói.
Ông Heisbourg cũng nói rằng mình "rất ngạc nhiên" nếu như đây đúng là một quả bom nhiệt hạch. Nhiều khả năng Triều Tiên đã thử một "thiết bị đẩy" hôm 6/1 - thiết bị có mức độ "nằm giữa vũ khí nguyên tử loại ném xuống Nagasaki hoặc Hiroshima và một quả bom H".
"Triều Tiên không phát triển rộng rãi như Ấn Độ. Không thấy khả năng họ có thể tạo ra một quả bom nhiệt hạch hoàn chỉnh bởi bạn cần có khả năng công nghiệp dựa trên nền tảng lớn hơn và khả năng kỹ thuật hơn só với những gì mà Triều Tiên đang có", ông Heisbourg nói.
Ngay cả khi đó là một quả bom nhiệt hạch thì Triều Tiên vẫn sẽ còn đoạn đường phải đi trước khi hoàn thiện nó và đưa vào tấn công. Ông Heisbourg lưu ý rằng Mỹ đã thực hiện "hàng chục" vụ thử trước khi đạt được khả năng gắn các loại vũ khí như thế này lên tên lửa để đưa vào hoạt động.
(Còn nữa)
Bảo Linh (theo nbcnews)