Trứng là thực phẩm phổ biến trong thực đơn hàng ngày. Không chỉ dễ chuẩn bị, đa dạng về cách nấu, trứng còn là một nguồn dinh dưỡng dồi dào, thậm chí được mệnh danh là "siêu thực phẩm" với nhiều Công dụng tuyệt vời với sức khỏe.
Mỗi quả trứng chứa khoảng 6-7 gram protein chất lượng cao, cung cấp tất cả các axit amin thiết yếu mà cơ thể không thể tự tổng hợp được. Protein giúp xây dựng và duy trì cơ bắp, là yếu tố quan trọng cho quá trình phục hồi tế bào và sản xuất các enzyme cần thiết cho các phản ứng sinh hóa trong cơ thể.
Trứng chứa chất béo không bão hòa và omega-3, có lợi cho tim mạch. Chất béo trong trứng hỗ trợ hấp thụ các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E và K, và omega-3 giúp giảm viêm, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim.
Trứng là một trong số ít thực phẩm tự nhiên chứa vitamin D, giúp cơ thể hấp thụ canxi, quan trọng cho xương và răng khỏe mạnh. Lutein và Zeaxanthin có trong "siêu thực phẩm" này có lợi cho mắt và giúp giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng cũng như đục thủy tinh thể, các tình trạng thường gặp ở người cao tuổi.
Trong lòng đỏ trứng chứa Choline, một chất dinh dưỡng cần thiết tìm thấy trong lòng đỏ trứng, rất quan trọng cho chức năng não bộ, đặc biệt là việc duy trì cấu trúc màng tế bào và truyền dẫn tín hiệu thần kinh.
Thông thể phủ nhận vai trò của trứng trong việc cung cấp năng lượng và dưỡng chất, tuy nhiên cách ăn trứng đúng thì không phải ai cũng biết.
Sai lầm cơ bản khi ăn trứng:
Ăn trứng sống hoặc chưa chín kỹ: Nguy cơ nhiễm khuẩn từ Salmonella, dẫn đến tiêu chảy, sốt và các vấn đề tiêu hóa. Protein trong trứng sống cũng khó hấp thụ hơn so với trứng chín. Luôn ăn trứng đã nấu chín kỹ, đảm bảo lòng đỏ và lòng trắng cứng lại để loại bỏ nguy cơ nhiễm khuẩn và tăng cường khả năng tiêu hóa protein.
Chỉ ăn lòng trắng, bỏ lòng đỏ: Hành động này làm mất đi nguồn dinh dưỡng quý giá như vitamin D, choline, và các chất chống oxy hóa như lutein và zeaxanthin. Khi ăn trứng nên ăn cả lòng đỏ để hưởng lợi từ tất cả các dưỡng chất có trong trứng, trừ khi có chỉ định y tế cụ thể.
Ăn trứng với thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa: Tăng nguy cơ bệnh tim mạch khi kết hợp trứng với thức ăn giàu chất béo bão hòa như thịt xông khói hoặc phô mai. Nên kết hợp trứng với rau củ và ngũ cốc nguyên hạt để tạo nên bữa ăn cân đối và tốt cho tim mạch.
Chiên trứng trong dầu ở nhiệt độ cao: Nhiệt độ cao có thể tạo ra các hợp chất có hại như acrolein, có thể gây viêm và làm hỏng các axit béo có lợi trong trứng. Nấu trứng ở nhiệt độ thấp hơn hoặc sử dụng phương pháp nấu chín không cần dầu như luộc hoặc hấp.
Đánh trứng quá lâu trước khi nấu: Đánh trứng và để chúng đứng quá lâu trước khi nấu có thể làm mất đi không khí đã được đánh bông vào, dẫn đến món ăn làm từ trứng không được xốp như mong đợi.
Luôn tin vào màu sắc của vỏ trứng để đánh giá chất lượng: Màu sắc của vỏ trứng không phản ánh chất lượng bên trong. Nhiều người tin rằng trứng vỏ nâu tốt hơn trứng vỏ trắng, nhưng thực tế, màu sắc chỉ liên quan đến giống gà đẻ trứng.
Ảnh: Tổng hợp