Từng có trường hợp bệnh nhân được cấy ghép nội tạng bỗng dưng thay đổi tính cách, phát triển những sở thích mà trước đây chưa bao giờ có. Giờ đây, một số nhà khoa học cho rằng truyền máu cũng gây ảnh hưởng kiểu này.
Tháng trước, các nhà nghiên cứu tại Viện Karolinska, Thụy Điển đã công bố một nghiên cứu lớn cho thấy nguyên nhân của một vụ chảy máu não tự phát có thể bị truyền thông qua truyền máu. Nghiên cứu phát hiện ra những bệnh nhân nhận máu từ người hiến sau đó bị chảy máu não nhiều gấp đôi so với trước.
Các nhà nghiên cứu sử dụng cơ sở dữ liệu Thụy Điển - Đan Mạch, chứa thông tin về những người hiến máu và bệnh nhân nhận truyền máu từ những năm 1970 trở đi, trong đó có hơn 1 triệu bệnh nhân.
Những phát hiện này gợi ý rằng một số yếu tố có thể gây chảy máu não tự phát được truyền thông qua truyền máu. Tuy nhiên, chỉ có 0,1% người hiến máu trong nghiên cứu sau đó phải chịu đựng chảy máu não tái diễn, số lượng bệnh nhân bị ảnh hưởng là rất nhỏ.
Giáo sư Gustaf Edgren, người tham gia nghiên cứu nói: "Việc truyền máu là tương đối phổ biến, điều này khiến những ảnh hưởng tiêu cực trở thành một vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng. Tuy nhiên, rất ít khả năng bạn sẽ phải chịu đựng vụ chảy máu não thông qua việc truyền máu".
Nhưng tại sao điều này lại xảy ra? Các nhà nghiên cứu hiện đang lên kế hoạch kiểm tra các mẫu từ Ngân hàng sinh vật Nghiên cứu Hiến máu Đan Mạch để xem liệu họ có thể xác định được các protein bất thường liên quan đến tình trạng này hay không.
Tuy nhiên, các nhà khoa học khác cho rằng có điều gì đó tinh tế hơn đằng sau điều này, cho thấy rằng quá trình truyền máu thậm chí có thể chuyển các đặc điểm tính cách từ người hiến sang người nhận.
Ví dụ, 5 năm trước, một nghiên cứu của Đại học Geneva đã báo cáo gần một nửa số bệnh nhân cho biết những thay đổi trong hành vi và giá trị của họ sau khi được truyền máu. Các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn 7 người đã được truyền máu để phẫu thuật chỉnh hình, chẳng hạn như thay khớp háng, và nhận thấy 3 trong số 7 người tin rằng tính cách của họ đã thay đổi. Một người nói anh ngủ và mơ nhiều hơn trước; một người khác nói rằng vị giác của anh ấy đã bị thay đổi. Bệnh nhân thứ ba cho biết sau khi được truyền máu, anh cảm thấy vui vẻ và khỏe mạnh hơn.
Các tác giả kết luận rằng: "Hiểu rõ hơn về tần suất và tầm quan trọng của những thay đổi được nhận thấy này là rất quan trọng vì các bác sĩ có thể phải đưa những thông tin đó vào khi xin phép truyền máu".
Trước đó, các nhà khoa học đã thử cấy ghép ký ức từ con ốc sên này sang con ốc sên khác bằng cách cấy ghép mô. Kết quả như thể chúng đã được chuyển giao ký ức. Các nhà khoa học giải thích rằng các tế bào được cấy ghép chứa thông tin di truyền gọi là RNA, liên quan đến nhiều vai trò khác nhau, bao gồm cả cách bật hoặc tắt gen.
Những nhà khoa học khác hiện cho rằng ký ức có thể được lưu trữ dưới dạng mã hóa học bên trong các protein mà DNA của chúng ta quấn quanh.
Tuy nhiên, ký ức có thực sự được truyền qua truyền máu hoặc cấy ghép nội tạng hay không thì vẫn còn phải xem xét.