Chỉ bằng một con trâu, ông Còn đã phấn đấu làm ăn, dần nắm trong tay hàng nghìn ha đất, trở thành đại gia có tiếng tại Tây Ninh.
Hiếm ai có thể tin vào câu chuyện gây dựng cơ nghiệp, trả hết nợ nần, sở hữu hơn 1.000 ha đất, vươn lên thành đại gia chỉ bằng một con trâu. Nhưng đó là câu chuyện có thật của một lão nông Tây Ninh.
Ông là Nguyễn Văn Còn, sinh năm 1964, sống tại xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên, Tây Ninh. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em. Cha ông đã bị giặc bắt giam và thủ tiêu từ khi ông còn nhỏ, một mình mẹ gánh vác nuôi dạy 6 đứa con nhỏ.
Sau ngày giải phóng đất nước, Nhà nước có Chính sách bán trâu trả chậm cho gia đình có công, gia đình nghèo để phát triển kinh tế nông nghiệp. Gia đình ông đã mua nợ một con trâu cái giá 120.000 đồng.
Ông Còn vận dụng mọi kinh nghiệm, chăm chỉ chăn nuôi trâu – tài sản quý nhất của gia đình. Ngoài ra, gia đình có 5ha trồng đậu, mè. Sau một năm, con trâu cái đẻ con, cùng với sản lượng cao từ 5ha hoa màu, mẹ ông quyết định bán 2 con trâu và nông sản để trả nợ Nhà nước, sau đó gia đình ông tiếp tục dồn tiền mua bò về nuôi.
Ông Nguyễn Văn Còn sở hữu 1.100ha cao su, thu nhập hơn 13 tỷ đồng/năm. Ảnh: Dân Việt |
Năm 1984, khi nghề làm bánh tráng tại Tây Ninh bắt đầu xuất hiện, gia đình ông chuyển sang trồng mía để ép dường tán và trồng mì để bán cho những lò làm bánh trong địa phương. Trong năm này ông Còn lấy vợ, lập gia đình, được mẹ cho một cặp bò cái, xe bò và đôi hoa tai. Vợ chồng ông đã bán đôi hoa tai để lấy tiền đầu tư mua thêm một cặp bò nữa.
May mắn, 4 con bò của ông phát triển rất tốt, sinh sản đều đặn. Để biến thành đàn bò lớn nhất vùng, ông tập trung bán bò đực lấy tiền lời rồi mua thêm bò cái về sinh sản. Để có đất nuôi đàn bò, mở rộng diện tích sản xuất, ông cồn tiền mua thêm đất.
Sang năm 1990, đàn bò của ông đã lên tới hơn 200 con. Tuy nhiên, càng lúc đồng cỏ càng khan hiếm. Để giải quyết vẫn đề thức ăn cho bò, ông nhận thêm 20ha đất rừng, ký hợp đồng trồng rừng với lâm trường.
Tuy nhiên, số vốn trồng rừng bỏ qua quá nhiều mà thời gian thu hoạch được lại lâu, nên cuối cùng ông lại quay về trồng mía, mì.
Sau khi đã có chút tiền vốn, kinh tế dần dần ổn định, ông quyết định trồng cao su, vì theo như lời mẹ ông, đó là thứ “vàng trắng”.
Cao su được trồng trên toàn bộ 50ha đất của gia đình. Trong thời điểm giá đất rẻ, chỉ cần có chỗ nào bán đất là ông sẽ bán bò để lập tức mua đất, tăng diện tích đất trồng cao su lên tới 300ha.
Trải qua nhiều biến động trong việc chăn nuôi và trồng trọt, đến năm 2002, ông tiếp tục phát triển đàn bò và cao su. Để có đất làm trang trại, ông sang huyện Lộc Ninh (Bình Phước) mua thêm 260ha đất.
Cứ phát triển từng bước như vậy, đến nay, ông đã nắm trong tay 1.100ha cao su, mía mì, hàng trăm ha đất làm của hồi môn cho 4 người con. Chỉ tính riêng vài năm, dù giá mủ cao su rớt xuống chỉ còn 23.000 đồng/kg mủ khô, nhưng ông Còn vẫn đều đặn thu lãi 13 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, trang trại của ông còn góp phần lớn trong việc tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương. Rừng cao su của ông có 280 công nhân cạo mủ, thu nhập 4,5 – 6 triệu đồng/người/tháng; 250 lao động thời vụ trong trang trại mía, mì.
Hoài An (tổng hợp)