Tin mới

Tùng Dương, cứ đeo cánh và hát Bolero tiếp đi, đừng lo âm nhạc thụt lùi!

Thứ ba, 26/12/2017, 13:34 (GMT+7)

Dương có thể hát Bolero theo style Tùng Dương, chẳng sao cả nếu Dương thấy thích và công chúng thích. Âm nhạc sẽ chẳng thể thụt lùi như Dương đã từng lo sợ.

Dương có thể hát Bolero theo style Tùng Dương, chẳng sao cả nếu Dương thấy thích và công chúng thích. Âm nhạc sẽ chẳng thể thụt lùi như Dương đã từng lo sợ.

Tùng Dương, nếu Dương không nhớ thì để tôi nhắc, thực ra đêm 24/12 không phải lần đầu tiên Dương vươn đôi cánh và đắm đuối đôi chút với Bolero. Ai cũng biết đó là phút ngẫu hứng và Dương chỉ muốn chứng minh, anh hát được Bolero.

Nhưng ngoài giây phút đó, hai năm trước, trên sóng truyền hình Vĩnh Long, trong một chương trình rất nổi tiếng - Tình Bolero, Dương khi đó là khách mời và anh đã hát rất khỏe, rất nhiệt tình.

Ca khúc: Rồi mai tôi đưa em đi (của nhạc sĩ Trường Sa) được thể hiện rất nhẹ nhàng, sâu lắng. Dương đừng chối đó không phải là ca khúc có âm hưởng Bolero nhé.

Thực ra, với âm nhạc, việc phân loại cũng rất mơ hồ. Bolero là gì? Tìm mãi thì cũng chỉ thấy các chuyên gia nói qua nói lại, đại ý đó là dòng nhạc chậm chậm, nhẹ nhàng, ca từ dễ hiểu, dễ thuộc, dễ hát, đó là thứ âm nhạc dành cho đại chúng.

Nhạc sĩ Trần Tiến, một người viết tình ca rất nổi tiếng tại Việt Nam trong lần đầu nghe Bolero đã thốt lên, "đó giống như thứ âm nhạc giống như từ thiên đường vậy" - (Hồi ký Trần Tiến).

Trở lại với Dương, ai cũng biết anh thành danh được như ngày nay là nhờ một giọng hát đầy nội lực và một bản lĩnh phi thường. Dương không chạy theo số đông. Anh có cách làm nghệ thuật của riêng mình.

Tùng Dương, cứ đeo cánh và hát Bolero tiếp đi, đừng lo âm nhạc thụt lùi! - Ảnh 1.
 

Rất nhiều ca khúc được thể hiện theo style Tùng Dương, kiểu hát rất ma mị, các bản phối khí dành cho anh cũng buộc phải phá cách cho hợp với Dương. Và anh thường lên sân khấu với hình dáng, trang phục cổ quái chẳng giống ai.

Tôi thấy Dương hát hay, giọng tốt, quần áo lạ, đôi khi đẹp. Nhưng khách quan mà nói, tôi chỉ thích anh hát bình thường, không màu mè, ví dụ như bài Quê nhà (của Nhạc sĩ Trần Tiến), Mùa thu cho em (của Ngô Thuỵ Miên)...

Theo tôi, nghệ thuật nó đơn giản chỉ cần như vậy, khi anh cất tiếng hát thì hãy để tự giọng hát bay lên, không cần giương đôi cánh, không cần trang điểm môi mắt đen sì, chỉ cần anh hát với những xúc cảm chân thành của người nghệ sĩ.

Bao nhiêu năm nay, ca sĩ gạo cội Tuấn Ngọc không hề lo cho tương lai của nền âm nhạc, người nghệ sĩ đã già này vẫn say mê đi hát. Ngẫu hứng, ông còn hát lấn sang cả bài tủ của Chế Linh, đó là ca khúc thuần chất Bolero. Nhưng chẳng ai bảo Tuấn Ngọc thụt lùi hay nền âm nhạc đang tụt lùi.

Âm nhạc của một quốc gia là bức tranh đa sắc. Dương thích thứ âm nhạc có vẻ liêu trai, độc đáo, phi đại chúng... đó là quyền của Dương.

Trần Lập hát đến hơi thở cuối cùng những ca khúc sôi nổi, mạnh mẽ... đó là cách tận hiến đam mê của Lập. Hàng vạn những tín đồ yêu rock vẫn cuồng si theo nhịp đập của trái tim.

Bên cạnh rock, Bolero, nhạc đỏ, nhạc xanh, nhạc thính phòng, nhạc thiếu nhi... thì còn cơ man những trường phái âm nhạc khác nhau. Âm nhạc không giống đoàn tàu nên chẳng lo nó bị tụt lùi hay chệch hướng.

Ai hát gì thì cứ hát, vậy thôi. Bao nhiêu năm nay, người dân vẫn hát như vậy, tự nhiên Dương ở đâu chạy ra hô hoán, cẩn thận kẻo tụt lùi. Như vậy có hơi lo quá không Dương?

Ở Mỹ, có hàng triệu tín đồ mê nhạc country - một thể loại tương tự như Bolero của ta nhưng có thấy thị trường tại đây tụt lùi, tụt hậu đâu. Thậm chí, nó còn luôn có tên trong top này top kia của thế giới.

Tùng Dương, cứ đeo cánh và hát Bolero tiếp đi, đừng lo âm nhạc thụt lùi! - Ảnh 2.
 

Trong cuốn tiểu thuyết kinh điển Tiếng chim hót trong bụi mận gai, ngay từ lời đề tựa, tác giả Colleen McCullough đã kể về truyền thuyết về loài chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng tiếng hót hay nhất thế gian.

Khi cất tiếng hót, con chim lao mình vào bụi mận gai. "Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị".

Đọc những lời đề từ này bất giác tôi nhớ tới Dương. Anh tất nhiên không chỉ hát một lần nên cũng chẳng cần giương cánh lao bay lên cành cây đầy gai nào đó.

Những tranh cãi trên mạng xã hội, truyền thông để phân định về việc tụt lùi hay tiến lên của một nền âm nhạc xét cho cùng cũng bế tắc như khi ta ở giữa bụi cây gai.

Càng cố chứng minh thứ âm nhạc của mình đang theo đuổi là văn minh, tiến bộ nhất thì càng cảm thấy cô độc. Những người thích nghe dòng nhạc, loại nhạc khác sẵn sàng chĩa gai nhọn về phía anh.

Cách tốt nhất theo tôi Dương cứ đeo cánh và bay cao mà hát. Thậm chí Dương có thể hát Bolero theo style Tùng Dương, chẳng sao cả nếu Dương thấy thích và công chúng thích. Âm nhạc sẽ chẳng thể thụt lùi như Dương đã từng lo sợ.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news