Theo tin tức trên Vnexpress, Zingnews.vn, Vietnamnet, những ngày qua trên cả nước xôn xao thông tin hàng nghìn hộ dân ở Thanh Hóa từ chối nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng dành cho các đối tượng khó khăn trong đại dịch Covid-19. Theo tìm hiểu của các báo, ngày 16/4, UBND huyện Tĩnh Gia có công văn số 1113/UBND-LĐTBXH do Phó chủ tịch Hồ Đình Tùng ký trong đó yêu cầu các xã, thị trấn trên địa bàn khẩn trương rà soát, tổng hợp danh sách đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ gồm người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên, mục 2 của công văn gây chú ý với yêu cầu: "Đối với hộ có tên trong danh sách nhưng không đủ điều kiện hưởng thì đề nghị gia đình làm đơn không nhận Chính sách hỗ trợ của Nhà nước có xác nhận của ủy ban xã”.
Sau khi có sự phản ánh của báo chí, đến ngày 15/5, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia Nguyễn Tiến Dũng đã ký, ban hành công văn (khẩn) số 1457/UBND-PV gửi Chủ tịch các xã, thị trấn yêu cầu hủy toàn bộ nội dung tại mục 2 công văn số 1113. Ông Lê Đình Phương, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa cùng ông Lê Công Ngân, Trưởng thôn Hạnh Phúc đã phải đến từng nhà dân để xin lỗi vì đã vận động mọi người ký đơn không nhận tiền hỗ trợ.
Ông Lê Công Ngân đã xin lỗi vì vận động người dân ký đơn không nhận tiền hỗ trợ. Ảnh: Vnexpress
Ông Ngân thừa nhận mình đã thông báo trên loa truyền thanh và đến từng nhà dân vận động. "Vì muốn chung tay chia sẻ khó khăn với Chính phủ, tôi đã vận động từng hộ ký đơn do tôi soạn sẵn”, vị trưởng thôn lý giải. "Do trình độ hạn chế nên tôi mới làm như vậy. Tôi biết việc làm của mình là sai nên đã hủy những lá đơn đó, đồng thời xin lỗi tới bà con”.
Thôn Hạnh Phúc có 17 hộ nghèo, 76 hộ cận nghèo. Trưởng thôn Ngân đã vận động được 21 hộ cận nghèo ký vào đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ, sau đó nhiều người đi rút đơn và hiện chỉ còn 7 hộ. Chủ tịch UBND xã Hải Ninh Lê Đình Phương cho biết ngoài thôn Hạnh Phúc, các cán bộ thông Đồng Minh và Hồng Phong trên địa bàn cũng đã soạn sẵn đơn cho bà con ký. Ông Phương cho biết xã không chỉ đạo cơ sở đi vận động hay ép buộc người dân không nhận tiền hỗ trợ. Các trưởng thôn đã được yêu cầu viết báo cáo, kiểm điểm.
Cho đến nay, huyện Tĩnh Gia đã thống kê được 1.500 người ký đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ, chủ yếu là hộ cận nghèo. Ngoài ra, các huyện Thọ Xuân, Quảng Xương, Hoằng Hóa... cũng có người làm đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ. Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành lập đoàn công tác về các địa phương để xác minh.