Lương Phương Thảo, người đoạt giải nhất cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" năm 2002 và cũng là người duy nhất trong số 13 quán quân của cuộc thi này chọn con đường quay trở về nước.
Theo lời kể của ông Lương Xuân Lưu, cha Thảo, từ nhỏ đến lớn Thảo đã có năng khiếu và rất cố gắng học giỏi nhiều môn. Cụ thể, từ lớp 1 đến lớp 12 đều là học sinh giỏi.
Riêng lớp 5, Thảo đã được cử đi thi học sinh giỏi môn văn toàn quốc và đoạt giải nhất. Sau đó, đoạt huy chương bạc môn Anh văn kỳ thi Olympic dành cho học sinh trường chuyên tại TP.HCM, giải Nhất môn Anh văn lớp 12 (mặc dù đang là học sinh lớp 11 chuyên lý).
Ngoài ra, Thảo còn đạt thủ khoa của kỳ thi tuyển hết lớp 12. Cô có được kết quả trên là nhờ sự rèn luyện, hướng dẫn của thầy cô trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và cha mẹ, cũng như sự phấn đấu vươn lên của tự bản thân. Vì chỉ có học mới có thể giúp Thảo tự kiếm việc làm, tự chăm sóc mình và không phụ thuộc vào sự giúp đỡ của cha mẹ sau này.
Phóng viên trao đổi với cha của Thảo. |
Ông Lưu tâm sự: “Tôi từng là giáo viên của trường CĐ Sư phạm tỉnh Vĩnh Long, đến nay đã nghỉ hưu. Vợ tôi là bà Phan Thanh Thúy, bác sĩ đang công tác tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.
Chúng tôi muốn hướng cho con sao này có chỗ làm và thu nhập ổn định nên từ nhỏ đã dạy con cố gắng học tập, không phụ lòng cha mẹ, ông bà và hàng xóm. Tôi rất mừng đứa con gái lớn tên là Thảo học giỏi, hiện đang làm cho một công ty nước ngoài, có thu nhập ổn định. Em Thảo là Lương Hoàng Phan cũng giống chị, cũng ra nước ngoài học thạc sĩ”.
Nói về công việc học hành của con mình, ông Lưu rất hãnh diện: “Thảo rất được bạn bè thương mến, là tấm gương cho nhiều bạn noi theo. May mắn Thảo cũng rất được thầy cô nhiệt tình dẫn dắt, chỉ bảo. Vì vậy, Thảo mới liên tục nhận được nhiều giải thưởng. Điều bất ngờ hơn nữa là tôi chưa bao giờ nghĩ con mình sẽ chiếm ngôi quán quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia ” – ông Lưu nói.
Sau khi Thảo vượt qua 3 đối thủ và giành giải Nhất ở cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2002, phần thưởng mà Thảo nhận được là phần học bổng toàn phần trị giá 35.000 USD do trường ĐH Kỹ thuật Swinburne tại Melbourne (Australia) trao tặng.
Tuy nhiên, sau khi qua Australia, Thảo không học ở ngôi trường tài trợ trên mà sang một trường khác có tiếng hơn. Ông Lưu nói: “Cũng chính vì học ở trường khác nên số học bổng nhận được chỉ đủ đóng học phí một tháng. Phần còn lại vợ chồng tôi phải cố gắng cho cho con đi học. Chúng tôi tôn trọng quyết định của con và nghĩ rằng quyết định này sẽ giúp con nhiều trong tương lai nên đồng ý”.
Lương Phương Thảo. |
Theo gia đình, từ nhỏ và đến khi được ra nước ngoài học, cha mẹ Thảo và bản thân Thảo đều muốn ở lại quê hương, không đi đâu xa. Vì thế sau thời gian dài học tập và nhận bằng thạc sĩ, Thảo đã về nước làm việc cho một công ty của Anh. Sau đó, cô chuyển sang làm cho một công ty khác của Mỹ ở quận 1 (TP.HCM). Làm ở công ty nước ngoài đầu tư, quản lý nên công việc của Thảo không mấy rảnh rỗi. Thường thì một tuần Thảo chỉ nghỉ được một ngày chủ nhật nên vài ba tháng, cô mới về quê thăm gia đình một lần.
Khi chúng tôi hỏi vì sau trong số 13 người đoạt giải nhất của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia thì chỉ có em Thảo chấp nhận về nước làm việc, những quán quân còn lại thì ở nước ngoài công tác, sinh sống, ông Lưu chia sẻ: “Cũng như tôi đã nói, chúng tôi muốn con mình ở lại quê hương, gần cha mẹ. Ý thức được điều đó, Thảo cũng rất quyết tâm học xong các học phần và nhanh chóng trở về Việt Nam. Tôi không dám nói đến việc con mình muốn cống hiến sức mình cho quê hương nhưng dù sao ở gần nhà vẫn hơn”.
Chúng tôi đã điện thoại gặp Phương Thảo nhưng cô từ chối trả lời phỏng vấn. Cô cho biết sau khi có thông tin về việc hầu hết các quán quân Đường lên đỉnh Olympia đã ở lại nước ngoài làm việc, trừ cô, đã có nhiều tờ báo hẹn gặp để viết bài, nhưng cô đều từ chối.
Hỏi Thảo tại sao, cô chỉ trả lời, cô không muốn xuất hiện trên báo chí ít nhất trong lúc này.
Video bạn có thể quan tâm trên tinmoi.vn: