Báo Công an Đà Nẵng, Người lao động dẫn lời PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) cho biết Việt Nam đã có phác đồ điều trị hiệu quả với virus corona. Tính đến nay, chúng ta đã điều trị thành công 14/16 ca dương tính với Covid-19.
Sáng 18/2, 2 bệnh nhân cuối cùng điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh) đã được ra viện. Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết thành công của các y, bác sĩ tại bệnh viện thật đáng tự hào. Phát biểu về việc điều trị thành công các ca nhiễm virus corona, trong đó có nhiều bệnh nhân có bệnh nền như huyết áp, tim mạch, tiểu đường, từng cắt phổi do ung thư, ông Khuê nói: "Dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng Việt Nam đã có một phác đồ điều trị hiệu quả đối với Covid-19".
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh. Ảnh: NLĐ
Theo Cục trưởng Khuê, sau khi họp Hội đồng chuyên môn với các giáo sư đầu ngành, Việt Nam xác định bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 gây ra có nhiều đặc điểm tương đồng với bệnh SARS trước kia và Việt Nam nhanh chóng đưa ra hướng dẫn điều trị cập nhật ngay từ trước Tết. Sau đó, chúng ta tiếp tục tập huấn, triển khai quyết liệt các phác đồ hướng dẫn điều trị cho các bệnh viện. Kể từ khi 3 bệnh nhân được điều trị khỏi tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, ngành y tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị. Cục trưởng Khuê khẳng định khi đối phó với Covid-19, Việt Nam luôn đi trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
2 bệnh nhân nhiễm Covid-19 được xuất viện chiều 18/2. Ảnh: NLĐ
Hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận 16 ca dương tính với Covid-19 và từ ngày 13/2 không ghi nhận thêm ca mới. Để đạt được thành công trong việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, PGS Lương Ngọc Khuê cho biết ngay từ đầu Bộ Y tế đã phân tuyến điều trị tại các cấp theo phương châm 4 tại chỗ gồm: Phát hiện, chẩn đoán, cách ly, theo dõi được tổ chức ở các tuyến, đặc biệt là tuyến huyện là tuyến cơ sở đầu tiên, sau đó lên tuyến trên khi người bệnh có triệu chứng cần phải đáp ứng được nhu cầu điều trị. Việc phân tuyến điều trị như trên là hợp lý, hiệu quả. Những bệnh nhân không có triệu chứng nặng thì nên điều trị ở tuyến tỉnh. Các bệnh viện tại tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa đã chứng minh được khả năng điều trị Covid-19. Bệnh nhân tại Vĩnh Phúc được giữ điều trị tại tuyến huyện với sự hỗ trợ của bác sĩ tuyến trên và đã đạt được thành công.
Ngoài phác đồ điều trị thành công, phân tuyến hợp lý, Việt Nam còn chưa ghi nhận thầy thuốc nào nhiễm Covid-19. Theo lý giải của ông Khuê, chúng ta đã thực hiện rất tốt nguyên tắc cách ly, nguyên tắc số 1 trong điều trị bệnh truyền nhiễm.