Tin mới

"Vietjet chưa cẩn trọng khi thuê Ngọc Trinh mặc bikini"

Thứ ba, 23/09/2014, 15:41 (GMT+7)

Việc thuê các cô gái chân dài mặc bikini trên máy bay là chiêu quảng cáo phản cảm của VietJetAir hay là một chiêu định vị thương hiệu độc-lạ của hãng hàng không này.

Việc thuê các cô gái chân dài mặc bikini trên máy bay là chiêu quảng cáo phản cảm của VietJetAir hay là một chiêu định vị thương hiệu độc-lạ của hãng hàng không này.

 

Mới đây, trên Facebook của Ngọc Trinh đăng hình của "nữ hoàng nội y" này trong bộ trang phục bikini với sắc màu của hãng hàng không VietJetAir. Ngay khi xuất hiện, những hình ảnh nóng bỏng này đã tạo nên một làn sóng tranh cãi gay gắt trong dư luận.

Có người cho rằng: Đó là cách quảng cáo thiếu vải, phản cảm, lợi dụng cách khoe hình thể của các cô gái chân dài. Ý kiến khác lại cho rằng đó là chiến lược định vị thương hiệu bằng hình tượng cảm xúc khác biệt của VietJetAir, một trong 10 chiêu thức định vị độc - lạ đã được nghiên cứu và tổng kết và được nhiều hãng hàng không trên thế giới sử dụng thành công trong nhiều năm qua.

Để độc giả có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận này, chúng tôi xin đăng tải bài phân tích của ông Nguyễn Thế Khoa, một chuyên gia trong giới truyền thông.

Phản cảm hay không phản cảm?

“Trong quá khứ VietJetAir dùng khá nhiều chiêu bài kiểu như thế này để PR hình ảnh thương hiệu. Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta còn nhớ những màn uốn éo phản cảm của VietJet trên máy bay, hay cả màn đóng giả Lady Gaga mà Ngọc Quyên và nhóm tiếp viên hãng thực hiện. Nhìn vào cách làm này của hãng chúng ta có thể nhận thấy cách định hình của VietJet đang hướng tới chính là sự tươi trẻ mà hãng muốn dành cho khách hàng của mình.

Tuy nhiên, văn hóa phương Đông là rào cản rất lớn đối với những chiêu bài quảng bá này của những người phát triển thương hiệu. Bởi lẽ, không dễ để sử dụng định vị thương hiệu của mình theo phong cách sexy. Việc sử dụng hình ảnh sexy là không sai nhưng cách chọn người hay nhóm người quảng bá hình ảnh sexy lại là vấn đề khác hoàn toàn cho những người làm thương hiệu.

Điều đầu tiên ta nên nhắc tới là trong quá khứ, chiến lược và nhóm đối tượng khách hàng mà VietJetAir nhắm tới là những người chưa có cơ hội được bay, những người chấp nhận sử dụng dịch vụ của Vietjet Air để tiết kiệm chi phí. Điều thứ hai, ta sẽ thấy Việt Nam có dân số khá trẻ chiếm tới 70% dân số Việt Nam - Nhóm khách hàng này sẽ dễ dàng chấp nhận và ghi nhớ hình ảnh năng động, sexy, quyến rũ của VietJet đưa tới.

Ngọc Trinh và tám người mẫu trong trang phục bikini khêu gợi.

Có thể nói, trong marketing, việc tung ra chiến lược quảng bá hình ảnh thương hiệu qua hình ảnh sexy không phải là mới lạ, hay phản cảm, vì căn bản sexy không nhất thiết là bikini nhưng đó là cách tiếp cận nhanh nhất, tạo được sự ghi nhớ nhanh nhất trong lòng khách hàng. Hình ảnh sexy sẽ thu hút được sự quan tâm từ 2 giới chứ không riêng gì nam giới nên nếu nói “sử dụng hình ảnh sexy là phản cảm” sẽ là một sai lầm.

Các thương hiệu thường dùng hình ảnh này để mở đầu cho 1 chuỗi định vị xuyên suốt từ trang phục tiếp viên, ghế ngồi, thức ăn, các ấn phẩm quảng bá lưu hành trên máy bay, cho tới đồ lưu niệm trên máy bay đều liên quan tới vẻ đẹp sexy. Ví dụ như hãng Virgin Atlantic – một hãng hàng không Châu Âu khá nổi tiếng nhờ sự định vị thương hiệu sexy của mình bằng màu đỏ. VietJetAir vô tình hay cố tình cũng có những điểm chung và rất có thể đang đi theo con đường định vị của Virgin. Nâng cấp dịch vụ đồng nghĩa với nâng cấp hình ảnh của mình. Bởi rồi cũng sẽ tới lúc nhóm khách hàng mà VietJet nhắm tới sẽ dần bỏ qua sử dụng các dịch vụ từ các hãng hàng không khác. VietJet hiểu và đang tạo bước đệm cho mình bước tới.

Tại Việt Nam vẫn còn khá hạn chế việc quảng bá hình ảnh sexy vì quan điểm văn hóa Phương Đông khiến một nhóm đối tượng vẫn lên án những hình ảnh này và gán cho 1 nó cái tội là phản cảm và không phù hợp văn hóa.

Nhưng nhìn từ góc độ khác, ta sẽ thấy khi xem những bộ phim từ Phương Tây hay những tác phẩm điện ảnh vào những năm gần đây, số lượng hình ảnh sexy dần tăng cao theo xu hướng thị trường, thu hút đông đảo người xem phim từ nam đến nữ. Vậy ta có thể nói sexy là xấu xí hay là phản cảm?! Có hay chăng những người làm thương hiệu nên lựa chọn hình ảnh đại diện tốt hơn, không nên chỉ chạy theo làn sóng nhất thời của những gương mặt nổi tiếng nhờ scandal để PR cho hình ảnh thương hiệu của mình.Tác dụng phụ của văn hóa Phương Đông sẽ càng nặng nề hơn và khó chấp nhận hơn.

Thực tế sexy chỉ nên dùng đúng cách và có chừng mực sẽ tạo ra được hiệu ứng truyền thông tốt hơn, kèm theo đó là hạn chế được những luồng thông tin xấu bao vây. Ngược lại, nếu sexy được lạm dụng một cách thô bỉ bất chấp mọi ý kiến và nhất là lợi dụng sự sexy và dùng sự tai tiếng thay vì sự hoàn hảo của người đại diện hình ảnh thì sẽ khiến cho nhiều người phản đối hơn thay vì ủng hộ. Tôi cho rằng Vietjet đã chưa cân nhắc cẩn trọng khi thuê Ngọc Trinh, Ngọc Quyên mặc bikini quảng cáo. Nếu là người khác thì có lẽ hiệu ứng của công chúng sẽ dễ chịu hơn rất nhiều".

Theo Đại Lộ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news