Ngày 10/7, Tập đoàn Viettel đã chính thức ra mắt nền tảng quản lý tiêm chủng toàn quốc. Nền tảng này gồm 4 hệ thống: Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, Cổng công khai thông tin tiêm chủng phòng Covid-19, Hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng quốc gia, Trung tâm Đáp ứng (MCC).
Cơ sở dữ liệu của nền tảng được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý. Người dân có thể đăng ký trên nền tảng trực tuyến, được sắp xếp tiêm chủng và theo dõi.
Cũng trong ngày hôm nay, Việt Nam đã nhận 2 triệu liều vaccine với 1 triệu liều vaccine Moderna (Mỹ) và 1 triệu liều Astrazeneca (Nhật Bản). TP.HCM cũng đón nhận 30 xe ô tô tiêm chủng lưu động phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng vaccine trong những ngày tới.
Đây là 30 bộ xe ô tô chuyên dụng vận chuyển, tiêm chủng lưu động trong số 63 xe chuyên dụng trị giá 150 tỷ đồng của tập đoàn THACO trao tặng cho chính phủ Việt Nam. Mỗi một bộ bao gồm 1 xe vận chuyển và bảo quản vaccine kèm 1 xe tiêm chủng lưu động, được tập đoàn THACO thiết kế sản xuất trong 2 tuần để phục vụ chiến dịch tiêm chủng vaccine covid-19 trên toàn quốc.
Đây là dòng xe tải Mitsubishi Fuso (Nhật Bản) sở hữu bởi Daimler - Mercedes (Đức) và đang được THACO sản xuất phục vụ xuất khẩu sang Thái Lan, Philippines và dùng tại Việt Nam, được cải tiến thành xe chuyên dùng.
Được biết ngành y tế sẽ dùng các xe ô tô chuyên dụng này để mở các điểm tiêm chủng di động trong các con hẻm nhỏ ở TP Hồ Chí Minh giúp bà con không phải đi xa, hạn chế tụ tập đông người khi tiêm vaccine.
Với 30 xe ô tô vận chuyển và tiêm chủng vaccine lưu động này cùng với 10.000 nhân viên y tế tăng cường, TP HCM vừa thực hiện phong toả, cách ly, xét nghiệm, chữa bệnh vừa thực hiện tiêm chủng 2 triệu liều vacinne trong 2 tuần tới.
Như vậy trong tháng 7 TPHCM sẽ tiêm chủng 2 triệu liều đã có. Dự kiến, trong quý 3, lượng vaccine tiếp tục về nhiều hơn và tập trung vào quý 4. Việt Nam chính thức triển khai chiến dịch tiêm chủng Covid-19 ngày 10/7, kéo dài trong 9 tháng, mục tiêu bao phủ 70-80% dân số.