Asma Aziz, đến từ Lahore đã gây chú ý khi đăng tải đoạn video gây sốc lên mạng xã hội, cho thấy cái đầu trọc lốc và khuôn mặt bầm tím sau khi bị chồng bạo hành, BBC đưa tin.
Chồng cô, Mian Faisal và một người ở đã bị cảnh sát bắt giam. Tuy nhiên, Faisal phủ nhận cáo buộc tra tấn vợ. Vụ việc đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng Bạo lực gia đình tại nước này và kêu gọi cần làm nhiều hơn để bảo vệ phụ nữ. Trong một dòng tweet, tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết "thay đổi hệ thống" là điều cần thiết.
Cô Aziz bị chồng trói lại, cạo đầu, đánh đập chỉ vì không khiêu vũ trước mặt bạn bè anh ta. Ảnh: BBC
Trong video đăng tải hôm 26/3, cô Aziz nói rằng mình bị tra tấn hai ngày trước đó khi từ chối khiêu vũ trước mặt bạn bè của chồng tại nhà riêng ở Lahore.
"Anh ta lột quần áo của tôi ngay trước mặt người ở. Mấy người ở giữ chặt lấy tôi để anh ta cạo rồi đốt tóc. Quần áo tôi thì bê bết máu, người thì bị trói treo lên quạt. Anh ta còn dọa treo cổ tôi", Aziz phẫn uất kể lại.
Người vợ cho biết cô đã nộp đơn khiếu nại lên cảnh sát nhưng không được giải quyết ngay. Đến khi cảnh sát cử người tới nhà riêng của họ làm việc thì lại bị quản lý tòa nhà chặn lại.
Cảnh sát chỉ hành động sau khi nhận được chỉ thị từ phía Thứ trưởng Bộ Nội vụ Sheheryar Afridi. Ông này đã xem được đoạn video của Aziz và ra lệnh giải quyết khiếu nại.
Faisal cùng với người hầu Rashid Ali đã bị bắt giữ một ngày sau đó. Theo một báo cáo y tế sơ bộ, cô Aziz bị bầm tím, sưng tấy ở cánh tay, má và quanh mắt trái. Faisal khai với cảnh sát rằng vợ mình đã tự cắt tóc sau khi dùng ma túy và anh ta, cũng có dùng thuốc, chỉ giúp cô hoàn thành việc đó.
Các luật sư của Aziz sau đó đã bào chữa rằng vụ việc cần được giải quyết theo luật chống khủng bố nghiêm khắc hơn thay vì chỉ xử theo luật hình sự thông thường. Trong hồ sơ nộp lên cảnh sát Lahore hôm 3/4, các luật sư lập luận vụ này đã gây "bồn chồn và lo lắng rộng hơn trong xã hội".
Vụ việc đã gây xôn xao trên mạng xã hội, rất nhiều người phẫn nộ đối với tình trạng bạo lực gia đình ở Pakistan. Nữ quyền trong xã hội Pakistan là chủ đề tranh luận trong nhiều năm. Theo Chỉ số Bất bình đẳng giới của Liên hợp quốc năm 2016, Pakistan đứng thứ 147 trong danh sách 188 nước. Các tiêu chí đánh giá được đưa ra trong bảng xếp hạng này là chỉ số sức khỏe, giáo dục, quyền chính trị và tình trạng kinh tế của phụ nữ.