Sau lễ ký hợp đồng vào chiều nay, chuyên gia người Nhật Bản Koji Tanaka sẽ trở thành trưởng giải “dự khuyết”.
VPF đã chơi nước cờ mạo hiểm khi đánh cược niềm tin vào vị chuyên gia vốn xuất thân là… bình luận viên bóng đá.
2 tuần học việc
Có mặt ở Hà Nội vào ngày 16/2 thì chưa đầy 24 giờ sau đó, ông Koji Tanaka đã ngồi vào đàm phán hợp đồng với VPF. Nguyên một buổi sáng ngồi thương thảo với Tổng Giám đốc kiêm trưởng BTC V-League 2014 Phạm Ngọc Viễn, vị chuyên gia người Nhật Bản đã chấp nhận ngồi vào ghế nóng, thay thế chính… ông Viễn, đảm đương nhiệm vụ lèo lái chặng đường còn lại của V-League.
Ông Koji Tanaka
Bản hợp đồng giữa VPF và ông Koji Tanaka có thời hạn một năm, sau đó VPF có thể triển hạn hợp đồng, một khi vị chuyên gia đến từ xứ mặt trời mọc này làm tốt nhiệm vụ.
Chưa biết ông Koji Tanaka có tài thao lược đến cỡ nào, nhưng ít nhất thì ấn tượng ban đầu của vị chuyên gia này là sự chăm chỉ. Chỉ đến chiều nay, VPF và ông Koji Tanaka mới ký hợp đồng, nhưng hôm qua, chuyên gia người Nhật này đã tham gia cuộc họp của BTC V-League 2014 để “soi” lại hàng loạt sự cố nổi cộm ở vòng 5 V-League.
Ông Koji Tanaka cũng góp tiếng nói, đề nghị tăng nặng hình phạt đối với pha kungfu của Đinh Văn Ta hay tình huống dở khóc dở cười vì Hải Phòng đến sân Hàng Đẫy muộn… 12 phút so với quy định.
Cuối giờ chiều, ông Koji Tanaka lại xuất hiện trên sân Hàng Đẫy, khảo sát chất lượng và cơ sở vật chất. Ở vòng đấu cuối tuần này, chuyên gia người Nhật Bản đã đặt lịch, vi hành đến sân Cẩm Phả để khám phá, tìm hiểu về tân binh V-League Than Quảng Ninh.
Theo bật mí của Tổng Giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn, ông Koji Tanaka đề nghị VPF có nửa tháng làm quen với môi trường bóng đá ở V-League, tìm hiểu chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của chiếc ghế trưởng giải.
Từ vòng đấu thứ 8 V-League 2014, ông Koji Tanaka mới chính thức ngồi ghế nóng, thay ông Viễn đảm đương vị trí trưởng giải. Ông Viễn nói: “Ông Koji Tanaka cần làm quen với môi trường Việt Nam. Còn công việc, chắc chắn không có quá nhiều khác biệt. Như chuyện xử lý sự cố, chính ông Koji Tanaka nói rằng, V-League cũng tiến hành xử lý tương tự như J-League”.
Canh bạc của VPF?
Khi ông Koji Tanaka ngồi ghế trưởng giải, VPF đương nhiên phải xuất ngoại tệ thuê chuyên gia Nhật Bản này. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn khẳng định, mức lương của ông Koji Tanaka chỉ tương đối, bởi VPF nhận được sự hỗ trợ theo chương trình hợp tác giữa VPF và J-League.
Cũng vì J-League tiến cử ông Koji Tanaka cho VPF, cho nên, dù ban đầu không thật sự quá ưng với bản lý lịch của vị tân trưởng giải (vốn chỉ hoạt động ở tầm CLB) nhưng VPF vẫn chấp nhận.
Vậy đặt ông Koji Tanaka làm trưởng giải có là canh bạc của VPF? Có những thông tin cho rằng, VPF chọn ông Koji Tanaka làm trưởng giải là nhằm tìm ra vị thuyền trưởng có giá trị trung lập.
Như vậy, VPF hay BTC V-League có thể xử lý những vấn đề vốn nhạy cảm mà không bị tác động, giống như khi những vị trưởng giải là người trong nhà thường gặp phải. Ngoài ra, VPF muốn đưa V-League theo đúng chất chuyên nghiệp, theo mô hình của J-League.
Vấn đề là một người lạ nước lạ cái như ông Koji Tanaka, dẫu đến từ môi trường hoàn hảo như J-League, có kịp chạy theo với cuộc chơi V-League vốn nhiều phức tạp, lắt léo hậu trường?
Hoặc như chuyện phải thích nghi, làm việc ở môi trường mà cả 3 giải đấu lớn nhất chỉ biết trông vào ngân quỹ gần 4 triệu USD, bằng… 1/7 thu nhập trung bình của một CLB tại J-League (mỗi CLB thu được 26-30 triệu USD/ năm). Ông Phạm Ngọc Viễn cho hay, VPF sẽ bố trí chuyên gia Trần Duy Ly làm trợ lý đặc biệt cho tân trưởng giải Koji Tanaka.
“Năng lực và hiệu quả của ông Koji Tanaka thế nào, phải chờ thời gian trả lời. Nhưng đã dùng người thì phải đặt niềm tin, nên VPF sẽ tin tưởng tối đa ông Koji Tanaka. Chúng tôi cũng sẽ giao quyền cho ông Koji Tanaka, để ông ấy toàn quyền quyết định những vấn đề của V-League”, ông Viễn nói.
Nguyễn Hồ