Ngày 23-5, Thượng tá Phạm Xuân Trường, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Bình Dương, cho biết: Công an huyện Tân Uyên đã hoàn tất việc điều tra, ra quyết định đề nghị VKS cùng cấp truy tố bị cáo Châu Minh Tường về tội trộm cắp tài sản.
Theo dự kiến, đây sẽ là người đầu tiên trong vụ gây rối tại Bình Dương hôm 13-5 được đưa ra xử lưu động vào sáng 25-5 tại Trường Tiểu học Tân Hiệp (thị xã Tân Uyên).
Truy tố theo thủ tục rút gọn
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 22 giờ ngày 13-5, Tường thấy có nhiều người đi tuần hành tại thị xã Tân Uyên nên đi theo. Khi đoàn người đi đến Công ty TNHH Cao Viễn (trụ sở tại phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên), Tường thấy một số người đang đập phá tài sản của công ty này nên vào công ty lấy một màn hình máy tính, một cục thu phát sóng Wi-Fi, một máy scan, hai chuột máy tính và bàn phím.
Trong số nhiều người tuần hành gây rối ở Bình Dương này sẽ bị xét xử trong tuần tới. Ảnh: NĐ/PLO.vn
Khi Tường chở số tài sản vừa lấy được ra khỏi cổng công ty thì bị bảo vệ Công ty Cao Viễn đuổi theo, phối hợp cùng công an bắt giữ. Theo hội đồng định giá, số tại sản mà Tượng lấy cắp có tổng giá trị hơn 5 triệu đồng. Làm việc với cơ quan công an, Tường rất hối hận vì hành vi nông nổi, tự phát của mình và mong pháp luật khoan hồng.
Như vậy chỉ trong 10 ngày cơ quan tố tụng đã hoàn tất điều tra, ra quyết định đề nghị truy tố bị can theo thủ tục rút gọn của Bộ luật Tố tụng hình sự.
“Theo chỉ đạo của ban giám đốc công an tỉnh, trong tuần tới trong số 117 vụ án mà công an đã khởi tố sẽ có nhiều vụ công an kết thúc điều tra, ra quyết định đề nghị VKS truy tố đưa ra tòa xét xử” - Thượng tá Trường thông tin.
Như đã thông tin, Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố 117 vụ án với 259 bị can về bốn tội danh: Gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, cướp tài sản, chống người thi hành công vụ.
Sơn què, đối tượng gây rối công ty Asama thuộc băng giang hồ Dũng “cò”
Hàng loạt biện pháp hỗ trợ DN thiệt hại
Song song với việc nhanh chóng xử lý những người vi phạm, tỉnh Bình Dương cũng gấp rút xem xét các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ngày 23-5, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đã chủ trì buổi họp đánh giá thiệt hại và chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho DN. Theo báo cáo, ngoài những DN bị thiệt hại nặng do bị cháy, các DN khác đã hoạt động trở lại. Khu công nghiệp VSIP 1 và 2 có 325 DN hoạt động trở lại (chiếm 97,5%); 100% DN ngoài khu công nghiệp địa bàn thị xã Thuận An (trừ ba DN bị thiệt hại nặng) đã hoạt động trở lại; thị xã Tân Uyên có 188/198 DN hoạt động trở lại. Tại KCN Việt Hương, có 99% DN hoạt động kinh doanh bình thường…
Hiện đã có 257 DN kê khai thiệt hại và cơ quan chức năng đã kiểm tra được 199 DN. Cục Hải quan Bình Dương đã thành lập Ban hỗ trợ ở Cục và các tổ hỗ trợ ở các chi cục hải quan giúp DN khôi phục lại phần mềm, hồ sơ xuất nhập khẩu và nhiều giải pháp hỗ trợ khác. Cục Thuế tỉnh đã tạm dừng đôn đốc 190 DN tồn đọng 56,5 tỉ đồng tiền thuế tính đến cuối tháng 4-2014; giải quyết hoàn thuế cho các DN đã gửi hồ sơ hoàn thuế, dù chưa kiểm tra; dừng kế hoạch kiểm tra, thanh tra các DN; chưa thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập DN.
Sở TN&MT cũng dừng kế hoạch thanh tra, kiểm tra DN và kiến nghị Bộ TN&MT dừng kế hoạch thanh kiểm tra ở Bình Dương; chuẩn bị xong số liệu diện tích đất đai của các DN thuê đất phục vụ cho việc xét miễn giảm tiền thuê đất, thuế đất. Ông Lê Thanh Cung chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng thống kê và kiểm tra tất cả DN bị thiệt hại, chậm nhất đến ngày 27-5 phải có báo cáo cụ thể. Các cấp, các ngành chú trọng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị bị thiệt hại để tạo việc làm cho công nhân và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư…
Theo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh