Tin mới

Vụ "tê liệt sân bay vì mất điện": Công an tham gia điều tra sự cố

Thứ ba, 25/11/2014, 13:46 (GMT+7)

Bộ trưởng GTVT cho rằng 2 sự cố nghiêm trọng vừa xảy ra cho thấy hệ thống an toàn hàng không đang có vấn đề, đồng thời yêu cầu đình chỉ ngay công tác những người liên quan, thậm chí xử lý hình sự.

Bộ trưởng GTVT cho rằng 2 sự cố nghiêm trọng vừa xảy ra cho thấy hệ thống an toàn hàng không đang có vấn đề, đồng thời yêu cầu đình chỉ ngay công tác những người liên quan, thậm chí xử lý hình sự.


Theo tin tức nhận được, liên quan đến sự cố mất điện tại Trung tâm điều hành bay TPHCM, ngày 24/11, lãnh đạo Tổng Cty Quản lý Bay Việt Nam cho biết, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo lập tổ điều tra, báo cáo kết quả trước ngày 10/12.

Thành phần tổ điều tra ngoài các thành viên của Cục Hàng không, Tổng Cty Quản lý bay còn có TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TP.HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện- Điện tử - Tin học EEI. Theo thông tin từ cán bộ Tổng Cty Quản lý bay, công an cũng tham gia vào việc điều tra sự cố.

Thao tác sai quy trình

Theo tin tức trên báo Tiền Phong, liên quan đến thông tin ban đầu cho rằng, kíp trưởng Lê Trí Tình thao tác sai quy trình dẫn đến mất điện, ông Đoàn Trí Dũng- Trưởng phòng Kỹ thuật, Tổng Cty Quản lý bay Việt Nam cho biết: Nguồn cấp điện cho trung tâm được nối với 3 thiết bị lưu điện (UPS) thiết kế theo mạch song song. Sự cố xảy ra khi một trong 3 chiếc UPS bị hỏng. Theo quy trình của nhà sản xuất, kỹ thuật viên phải cô lập chiếc UPS bị hỏng rồi mới tiến hành sửa chữa. Quá trình cô lập này gồm 3 bước.

Tuy nhiên, khi thực hiện, ông Tình bỏ qua 2 bước đầu và bấm luôn vào nút khởi động lại UPS bị hỏng, dẫn đến tắt luôn 2 chiếc UPS còn lại và mất toàn hệ thống. Ông Dũng cho biết, quy trình đã được cảnh báo 2 cấp: Cảnh báo dán trên thiết bị và nút bấm cuối được đậy nắp để cảnh báo. “Việc UPS hỏng đã từng xảy ra, nhưng các kíp khác thực hiện đúng quy trình của nhà sản xuất không xảy ra vấn đề gì” - ông Dũng nói.

Về thời điểm hệ thống hoạt động trở lại, ông Dũng cho biết: Sau 35 phút, hệ thống được cấp điện, chức năng liên lạc với máy bay lúc này hoạt động được ngay và đã có thể điều hành. Do hệ thống có nhiều dữ liệu nên thời gian hoạt động đầy đủ các chức năng mất đến 90 phút.

Khu vực điều hành của Trung tâm Kiểm soát bay đường dài Hồ Chí Minh. Ảnh: Báo Tiền Phong

Theo phân tích của ông Dũng, dù nhà sản xuất có đưa ra quy trình để cảnh báo sự cố, nhưng công nghệ lắp đặt tại TPHCM là cũ (từ năm 2006). Biện pháp trước mắt là lắp đặt thêm một hệ thống khác để phòng ngừa; để gặp “nhân viên kém cũng không sập nguồn”.

Kiểm điểm cả hệ thống, sa thải nhân viên yếu kém

Theo báo Người Lao Động, trong cuộc họp ngày 24/11, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước là Cục HKVN phải thực hiện kiểm điểm cá nhân của từng lãnh đạo, tiếp đó là lãnh đạo VAMT và các đơn vị liên quan trong ca trực để xảy ra sự cố. Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh: Hai sự cố nghiêm trọng này cho thấy cả hệ thống đang có vấn đề, buộc phải tổng rà soát, tìm lỗ hổng để có biện pháp khắc phục.

Do đó, theo ông Đinh La Thăng, không chỉ dừng lại ở cấp độ điều tra sự cố thông thường mà phải thực hiện tổng rà soát về công tác phối hợp hiệp đồng giữa hàng không dân dụng và quân sự, đặc biệt là tại 3 sân bay lớn nhất: Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng. Cụ thể, rà soát từ hệ thống văn bản pháp quy về cơ chế phối hợp, xem đã đầy đủ chưa? Nếu đã ban hành đủ thì thực hiện nghiêm chưa, văn bản tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ đã đáp ứng được yêu cầu mới hay chưa? Đây là nội dung rất quan trọng vì các sân bay của Việt Nam được khai thác lưỡng dụng cả mục đích quân sự và dân dụng. Tốc độ phát triển hàng không dân dụng ngày càng cao nhưng vẫn phải bảo đảm an ninh quốc phòng.

“Toàn bộ số nhân viên yếu kém của Tổng Cty Quản lý bay phải cho nghỉ việc ngay. Số có chất lượng trung bình sẽ cho đào tạo lại trong thời gian nhất định, nếu không được sẽ chấm dứt hợp đồng” - ông Thăng nói.

Hiện nay, VATM đã hoàn thành phân loại đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên. Kết quả cho thấy có 40% đạt trình độ trung bình và yếu, trong đó số cán bộ trình độ yếu nghiệp vụ chiếm 8%. Về tiếng Anh, có 31% không đạt trình độ 4 theo tiêu chuẩn quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO).

Bộ GTVT sẽ kiến nghị Bộ Công an đưa các ACC vào danh sách công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, nhằm ngăn ngừa yếu tố phá hoại.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-BGTVT về việc đảm bảo an toàn, an ninh trong công tác điều hành, quản lý hoạt động bay.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong ngành Hàng không nghiêm túc, nhìn nhận các sự cố trong thời gian vừa qua là sự cố uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay; cần chủ động khắc phục những yếu kém, bất cập trong thực hiện các quy trình điều hành, quản lý hoạt động bay; rà soát kỹ đội ngũ cán bộ, nhân viên, chấn chỉnh ý thức tổ chức kỷ luật, kịp thời xử lý nghiêm cán bộ nhân viên vi phạm.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thành lập Tổ công tác điều tra sự cố điều hành bay tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào ngày 29/10/2014; sự cố mất điện tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh (ACC HCM) và báo cáo Bộ trước ngày 5/12/2014. Cục thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung và khuyến cáo, khuyến nghị với các cơ quan, đơn vị về nội dung, tài liệu hướng dẫn liên quan đến các văn bản hiệp đồng giữa các cơ quan, đơn vị; đảm bảo tuyệt đối an toàn và tuân thủ các quy định của pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các tài liệu nêu trên…

Cùng với đó, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ nghiêm các quy định, quy trình về an toàn quản lý điều hành bay; chủ động điều tra, xử lý các nguyên nhân gây ra sự cố an toàn bay; nâng cao chất lượng hệ thống quản lý an toàn hàng không; nâng cao nhận thức an toàn hàng không, năng lực quản lý, điều hành bay; hoàn thiện công tác đào tạo, huấn luyện, nâng cao chất lượng kiểm soát viên không lưu, đảm bảo cung cấp an toàn dịch vụ không lưu theo tiêu chuẩn của ICAO; nghiêm túc thực hiện kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân có liên quan để xảy ra sự cố gây uy hiếp an toàn bay; chấp hành nghiêm chế độ báo cáo sự cố theo quy định.

Ngoài ra, các hãng hàng không cũng phải có trách nhiệm tuân thủ nghiêm các quy định, quy trình về an toàn khai thác tàu bay; xử lý triệt để các nguyên nhân gây ra sự cố an toàn bay; nâng cao nhận thức an toàn hàng không; hoàn thiện công tác đào tạo huấn luyện đối với phi công.

Theo Kim Thành (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news