Theo tin tức trên Người lao động, Zingnews.vn, sáng 10/9, phiên tòa xét xử 29 bị cáo liên quan vụ giết người và chống người thi hành công vụ ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm sang ngày làm việc thứ 4. Đại diện Viện KSND Hà Nội tranh luận với nhóm luật sư và các bị cáo.
Trong phiến xét xử ngày 9/9, sau khi xem xét hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, công tố viên đề nghị HĐXX tuyên tử hình 2 bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức về tội Giết người. Ảnh: Zingnews.vn
Tại phiên toà sáng nay, đại diện Viện KSND Hà Nội ghi nhận sự thành khẩn của các bị cáo và tán thành quan điểm của một số luật sư giúp làm sáng tỏ sự thật của vụ án.
Công tố viên khẳng định việc truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội và đủ căn cứ, VKS quyết định thay đổi tội danh truy tố đối với 19 bị cáo từ Giết người sang Chống người thi hành công vụ, là thể hiện sự khoan hồng và nhân đạo.
Tại tòa sáng 8/9, bị cáo Bùi Viết Hiểu xin được “sửa sai” lời khai của mình trước đó, xin lỗi Hội đồng xét xử và xin được khoan hồng. Ảnh: Dân trí
Trình bày quan điểm về vụ án, luật sư Nguyễn Hồng Bách, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 3 cảnh sát đã hy sinh, cho biết ông đồng tình với việc Viện KSND TP chuyển tội danh truy tố cho 19 bị cáo từ "Giết người" sang "Chống người thi hành công vụ".
Ngoài ra, luật sư Bách cũng khẳng định 3 chiến sĩ hy sinh đã thực thi công vụ theo kế hoạch 419A được giao. Sau khi các chiến sĩ hy sinh, Đảng và Nhà nước đã xem xét thành tích, thăng quân hàm vượt cấp cả 3 người.
Lê Đình Công trình bày sau vụ việc khiến 3 cảnh sát hy sinh, bị cáo "hết sức hối hận". Đứng trước bục gỗ, con trai ông Lê Đình Kình gửi lời xin lỗi đến gia đình của 3 cán bộ bị sát hại, mong được hưởng sự khoan hồng. Ảnh: TTXVN
Trước đề nghị phải thực nghiệm điều tra và dựng lại hiện trường vụ án, luật sư Nguyễn Hồng Bách bày tỏ quan điểm không đồng ý. Theo luật sư Bách, một số luật sư của các bị cáo nêu ra vấn đề này khiến ông cảm thấy đau nhói.
"Chúng ta có thể dựng lại hiện trường 1 vụ giết người tàn bạo như vậy hay không? Ai là người dám chui xuống cái hố đó, cho người khác đổ xăng lên?", luật sư Bách nêu quan điểm.
Về quan điểm của luật sư cho rằng cơ quan tố tụng chưa thực nghiệm hiện trường để xác định 3 cảnh sát ngã xuống hố trong hoàn cảnh nào, kiểm sát viên cũng cho hay ngay khi tiếp nhận tin báo, VKS đã cử lực lượng trực tiếp giám sát quá trình thực nghiệm điều tra.
Ngoài ra, cơ quan tố tụng còn căn cứ vào lời khai của các bị cáo và nhân chứng tại hiện trường. Quá trình điều tra, VKS xác định các chiến sĩ công an tử vong trong khi di chuyển để bắt quả tang người phạm tội.
"Một số luật sư có quan điểm không đúng sự thật về cái chết của 3 cán bộ công an. VKS thấy rằng có phần nào đó xúc phạm đến anh linh của những liệt sĩ", công tố viên nói và đánh giá một số luật sư đề nghị trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung là hoàn toàn không cần thiết.
Theo cáo trạng vụ án, khu đất ở cánh đồng Sênh ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) là đất quốc phòng nhưng từ năm 2013 ông Lê Đình Kình cùng nhiều người đã lập "Tổ Đồng thuận" với mục đích chiếm lại để chia nhau. Họ kích động, kêu gọi người dân xã Đồng Tâm "đấu tranh để giữ đất".
Tháng 11/2019, biết thông tin Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Quân chủng Phòng không – Không quân (Bộ Quốc phòng) triển khai bảo vệ lực lượng thi công xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn trên đất đồng Sênh, các bị can đã góp tiền mua 10 quả lựu đạn, làm 85 chai bom xăng, mua khoảng 10 tuýp sắt có gắn dao bầu và liềm... để tấn công lực lượng chức năng.
Rạng sáng 9/1, khi công an ngăn chặn, bắt giữ những người vi phạm đang ẩn nấp trong nhà ông Kình, ông Kình đã sử dụng tuýp sắt gắn dao phóng lợn, 1 quả lựu đạn tấn công lực lượng làm nhiệm vụ.
Kết luận điều tra cũng xác định, những đối tượng bị truy tố đã nhiều lần đổ xăng xuống hố và châm lửa đốt là nguyên nhân trực tiếp làm 3 chiến sĩ công an hy sinh. Đây là hành vi man rợ, có tính côn đồ, giết chết nhiều người cần phải được xử lý nghiêm để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.