Một nghiên cứu mới đây cho thấy, việc xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đang tăng vọt so với những quốc gia có thế mạnh về lĩnh vực này trên thế giới.
CNN cho biết, theo một báo cáo được công bố hôm nay (29/2) của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), việc xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đã tăng lên 88% trong giai đoạn 2011 - 2015 so với giai đoạn 2006 - 2010.
Bắc Kinh đang ngày càng củng cố vị thế của mình ở "chiếc bánh lợi nhuận" này, SIPRI nhận định.
Một số quốc gia khác, trong đó có Mỹ, Nga và Anh cũng cho thấy mức xuất khẩu vũ khí của họ tăng so với cùng kỳ năm ngoái, song không thể đạt tốc độ nhanh như Trung Quốc. Mức giảm lớn nhất là ở các nước Đức, Hà Lan, và Pháp.
Khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Trung Quốc đều là các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Pakistan, Bangladesh và Myanmar.
Tên lửa chống hạm của Trung Quốc tại lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Thế chiến thứ hai ở Bắc Kinh hôm 3/9/2015. Ảnh: Reuters |
"Cả 3 quốc gia kể trên đều là láng giềng của Ấn Độ, nước dẫn đầu về nhập khẩu vũ khí trong khu vực", báo cáo nêu rõ.
Trong khi đó, quân đội Trung Quốc ngày càng hạn chế việc mua vũ khí từ nước ngoài, bởi quốc gia này đang đẩy mạnh các chương trình phát triển "cây nhà lá vườn".
Cũng theo nghiên cứu này, vào đầu thế kỷ 21, Trung Quốc là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất trong khu vực, nhưng trong giai đoạn gần đây, Bắc Kinh đã xuống vị trí thứ 3, sau Ấn Độ và Ả Rập Saudi.
"Trung Quốc đang ngày càng tăng cường khả năng tự sản xuất các loại vũ khí tân tiến và trở nên ít phụ thuộc vào việc nhập khẩu", báo cáo nêu rõ, song vẫn lưu ý rằng, đối với các hạng mục quan trọng như máy bay vận tải lớn và động cơ, Bắc Kinh vẫn phải mua từ nước ngoài.
Theo một báo cáo khác được công bố hôm 28/2 của hãng nghiên cứu quốc phòng IHS Jane's, việc chi tiêu những khoản tiền khổng lồ vào nhập khẩu vũ khí ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ vẫn tiếp tục tăng trong những năm tới.
Châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ chiếm 1/3 trong tổng số tiền được sử dụng cho mục đích quốc phòng cho tới những năm 2020. Con số này tại thời điểm năm 2010 là 1/5, báo cáo cho biết.
"Philippines, Indonesia, Nhật Bản đều chỉ xếp sau Trung Quốc về nhập khẩu vũ khí và chúng tôi không nhận thấy dấu hiệu nào cho thấy xu hướng này sẽ kết thúc".
Việc Trung Quốc ngày càng quyết đoán, ngang ngược trong các tranh chấp lãnh thổ đã khiến căng thẳng khu vực trong những năm gần đây ngày càng leo thang.
Lê Huyền (CNN)