Những bộ phim kinh điển đậm chất thriller từng làm nên tên tuổi của điện ảnh Hàn. Cùng với những khoảnh khắc đầy ám ảnh, nó đủ khiến người xem thổn thức, hụt hẫng nhưng không thể rời mắt phút giây nào được.
OLd Boy (2003) của đạo diễn Park Chan Wook
Old Boy là bộ phim thứ 2 nằm trong serie phim về báo thù của Park Chan Wook. |
Nổi tiếng với loạt phim báo thù Sympathy for Mr. Vengeance, Old Boy, Sympathy for Lady Vengeance, các phim khác như Joint Security Area, Thirst, Stoker và mới đây là Handmaiden, đạo diễn Park Chan Wook được cả thế giới ngưỡng mộ vì tư duy làm phim tinh tế của ông.
Old Boy là bộ phim thứ 2 nằm trong serie phim về báo thù của Park Chan Wook được cộp mác 19+ và là bộ phim ở một đẳng cấp hoàn toàn khác và đã góp phần đưa điện ảnh Hàn bay xa trên bầu trời quốc tế với giải thưởng lớn của LHP Cannes 2003. Park Chan Wook đã phá vỡ mọi chuẩn mực đạo đức xã hội mà người đời ca tụng để nói đến một khía cạnh khác về tình yêu, con người qua cuộc đời đáng nguyền rủa của nhân vật chính Oh Dae Su (Choi Min Sik) khi bị bắt cóc suốt 15 năm trời.
Oh Dae Su vốn là một doanh nhân đã có vợ và một đứa con gái. Trong đêm sinh nhật con gái mình, ông đã bị bắt cóc và nhốt vào phòng kín trong suốt 15 năm trời. Và Oh Dae Su cũng biết được bên ngoài, vợ mình đã bị giết chết, con ông bị lưu lạc trong khi bản thân ông lại đang là kẻ tình nghi số một cùa cảnh sát.
Những tưởng đã bị giết hoặc sẽ chôn chân ở đây cả đời thì đột nhiên vào một ngày của 15 năm sau, ông được trả tự do. Oh Dae Su sau đó đã nảy sinh tình yêu với một cô gái phục vụ ở nhà hàng Sushi và cùng cô gái này đi tìm câu trả lời cho khoảng thời gian đã bị người khác đánh cắp.
Đến đây, Park Chan Wook lại đặt ra cho khán giả một câu hỏi khiến khản giả hoàn toàn bị cuốn hút vào câu chuyện: "Vì sao Oh Dae Su lại được thả ra?". Hơn phân nửa độ dài bộ phim sau đó đều xoay quanh hành trình tìm ra sự thật của Oh Dae Su và khi mọi vấn đề dần được hé lộ, Old Boy đã kết thúc bằng câu trả lời "không thể shock hơn" về những gì Oh Dae Su đã thực sự gây ra. Một cái kết không ai ngờ đến, không còn gì có thể đau đớn hơn được nữa.
Câu nói "Saranghae" từ người mà ông yêu nhất vang lên trong sự tuyệt vọng của Oh Dae Su. |
Vào những ngày tưởng như là tận cùng của nỗi đau đối với Oh Dae Su, ông đã quyết định quên sạch hết những gì mình đã đi qua. Bầu trời vẫn u ám, tuyết vẫn rơi và cuộc đời Oh Dae Su thì chẳng bao giờ lấy lại được nữa. Câu nói "Saranghae" từ người mà ông yêu nhất vang lên trong sự tuyệt vọng của Oh Dae Su và trong chính sự ám ảnh đến tột cùng của người xem.
Không máu me, không đẩy phim lên cao trào bằng những cái chết vô nghĩa và sử dụng cảnh nóng một cách tài tình, Old Boy cùng với dàn diễn viên tuyệt vời, góc quay chân thật và câu chuyện đi thẳng vào góc tối của con người xứng đáng là một trong những bộ phim kinh điển, lừng danh của điện ảnh Hàn.
Memories of Murder (2003) của đạo diễn Bong Joon Ho
Memories of Murder dựa trên vụ án có thật. |
Vào những năm 1986 đến 1991, có một vụ án giết người liên hoàn làm rúng động xã hội khi đó. Đối tượng của tên sát nhân đều là nữ có độ tuổi từ 13 đến 71 và họ đều bị siết cổ bằng áo lót hay tất đến chết. Điều đáng bận tâm là mặc cho mọi nỗ lực từ phía cảnh sát, tên sát nhân kia vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật cho đến nay. Chính vì vậy, đạo diễn Bong Joon Ho đã quyết đình làm bộ phim Memories of Murder dựa trên vụ án có thật trên.
Hiện trường vụ án là một cánh đồng lúa vàng bình yên. |
Memories of Murder không đi theo lối mòn của những bộ phim hình sự dựa trên câu chuyện có thật khác, mỗi nhân vật trong phim đều được xây dựng lại với nhiều hàm ý hơn nhưng vẫn rất thật và đời. Xuyên suốt hành trình tìm lời giải đáp của thanh tra, mọi thứ chìm trong một gam màu u ám, buồn đến nao lòng.
Việc sử dụng hình tượng tương phản nhau cũng khiến người khác phải rùng mình như hiện trường vụ án lại là một cánh đồng lúa vàng bình yên. Tất cả các án mạng đều bắt nguồn từ cơn mưa, đều là phụ nữ vận đồ đỏ và không thể thiếu bài hátSad Letter cứ âm vang trong bầu không khí ảm đạm, tịch mịch.
Có thể nói, toàn bộ khung hình trong Memories of Murder đều khá ám ảnh. Bạn thậm chí sẽ mãi nghĩ về những khung cảnh giết người khi nhìn thấy mưa, nghe bản nhạc Sad Letter hay đứng giữa cánh đồng đầy gió. Và hơn cả điều đó, những thông điệp và giá trị quan mà phim truyền tải mới là thứ khắc sâu nhất trong lòng người xem.
Memories of Murder của Bong Joon Ho cùng với hai cây đại thụ của điện ảnh Hàn là Song Kang Ho và Kim Sang Kyung đã đạt được 4 giải thưởng quan trọng tại LHP Trinh thám lần thứ 22 năm 2004 tại Pháp.
Mother (2009) của đạo diễn Bong Joon Ho
Mother đã nhận được nhiều lời khen từ người xem và cả các nhà phê bình khó tính. |
Mother (2009) của đạo diễn Bong Joon Ho đã giành được nhiều giải thưởng cho phim và các giải cá nhân tại các LHP Châu Á, LHP Kim Kê - Bách Hoa cũng như được chính thức giới thiệu tại LHP Cannes. Bằng nội dung đậm chất nhân văn trên nhịp điệu, mạch phim đậm chất Hàn, phim đã nhận được nhiều lời khen từ người xem và cả các nhà phê bình khó tính.
Phim xoay quanh hành trình minh oan cho con trai mắc bệnh thiểu năng của một người mẹ không-tên (Kim Hye Ja). Con bà bị tình nghi là ké giết hại một nữ sinh trung học và ném xác cô ở sân thượng của một tòa nhà bỏ hoang. Với tình yêu thương con mãnh liệt, bà đã chạy vạy khắp nơi tìm cách chứng minh sự trong sạch của con trai mình. Và con đường này không hề dễ đi chút nào khi mọi tia hi vọng cứ dần hiện ra rồi vụt tắt.
Khi tình yêu và khao khát cứu con như một ngọn lửa đang cháy trong bà thì cũng là lúc bà trở nên mù quáng. Khi nghe một nhân chứng nói rằng đã thấy con trai của bà có mặt ở hiện trường, thay vì tin vào sự thật, tin con, bà lại chọn cách giết người để bảo vệ con mình. Phân cảnh bà gần như vứt bỏ lương tâm vì con trai thật sự khiến người xem cảm động nhưng cũng buồn đến nao lòng.
Bàn tay của mẹ, đã cứu con trai mình nhưng vừa giết một người khác. |
Tình yêu có thể bắt đầu một sự sống nhưng cũng chính tình yêu có thể giết chết lương tâm, con người. Ở đây, Bong Joon Ho đã để cập đến một vấn đề nhạy cảm và rất con người. Tình yêu và khát khao bảo vệ người mình yêu thương đôi khi chính là cội rễ của tội ác. Cái ám ảnh mà bộ phim mang lại nằm đằng sau những gì mà người mẹ gây ra, là sự tha hóa lương tâm trong phút chốc của một người mẹ tuyệt vời. Và đôi bàn tay của mẹ, đã cứu con trai mình nhưng vừa giết một người khác.
Sự thành công của Mother không chỉ nằm ở nội dung và cách dàn dựng mà còn ở diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên: Kim Hye Ja, Won Bin, Jin Goo. Tất cả đã góp phần làm nên một tác phẩm kinh điển của Bong Joon Ho và của cả điện ảnh Hàn.
The Housemaid (2010) của đạo diễn Im Sang Woo
The Housemaid của Im Sang Woo xoay quanh câu chuyện về cô gái Eun Yi. |
The Housemaid của Im Sang Woo là phim bản làm lại của một bộ phim cùng tên năm 1960, xoay quanh câu chuyện về cô gái Eun Yi (Joen Do Yoen) thuộc tầng lớp lao động ở khu chợ cá khi làm người giúp việc cho một gia tộc giàu có.
Eun Yi được tuyển chọn làm người giúp việc chính cho gia đình thượng lưu. Cô làm việc dưới quyền của Byeong Sik (Joon Yeo Jeong) để chuẩn bị các bữa ăn cho gia đình, dọn dẹp và chăm sóc cho gia đình ông chủ Hoon (Lee Jung Jae), bà chủ Hae Ra (Seo Woo) và con gái của 2 người - Nami (Ahn Seo Hyeon).
Eun Yi được tuyển chọn làm người giúp việc chính cho gia đình thượng lưu. |
Khoảng thời gian đầu, Eun Yi thực hiện tốt vai trò hầu gái của mình. Cho đến khi ông chủ Hoon tìm đến cô như một thứ công cụ để thỏa mãn cơn dục vọng của ông hằng đêm, người hầu gái mới bộc lộ rõ bản chất lẳng lơ, thủ đoạn và tham vọng của mình. Từ đây, nhiều mưu mô, góc tối trong gia đình vốn dĩ cung cách và hào nhoáng bộc lộ. Vì để giữ chồng, Hae Ra cùng quản gia và vợ mình đã bày ra nhiều cách để giết thai trong bụng Eun Yi. Để rồi một ngày, Eun Yi trở về và treo cổ giữa sảnh trước mặt các thành viên trong gia đình. Đám lửa bốc lên từ thân xác đang đung đưa của Eun Yi đã khép lại cuộc đời của cô hầu gái loạn trí đáng thương.
Với bàn tay nhào nặng tài ba của Im Sang Woo cùng diễn xuất chân thực của dàn diễn viên, The Housemaid như một bức tranh nhỏ vẽ nên một xã hội lớn nơi mà con người dễ dàng để nhục vọng, bản ngã và đồng tiền chi phối, tha hóa lương tâm. Và có lẽ sau khi xem xong The Housemaid, người xem sẽ còn mãi ám ảnh về nó.
Bedevilled (2010) của đạo diễn Jang Chul Soo
Bedevilled được xem là tác phẩm có sự pha trộn giữa các thể loại hài, tình cảm và có chút kinh dị tâm lí khá thành công. |
Bedevilled của đạo diễn Jang Chul Soo từng giảnh giải tác phẩm xuất sắc nhất tại nhiều LHP có uy tín tại Hàn sau đó còn được trình chiếu chính thức lại LHP Cannes, mang một hơi thở mới lạ cho tại LHP này. Bedevilled được xem là tác phẩm có sự pha trộn giữa các thể loại hài, tình cảm và có chút kinh dị tâm lí khá thành công cũng như những tác phẩm của Hàn trước đó.
Bộ phim xoay quanh nhân vật Kim Bok Nam (Seo Young Hee) cùng sự biến đổi tâm lí sau cái chết của con gái Yeon Hee (Lee Ji Eun). Kim Bok Nam có làn da cháy rắng, đầu tóc rối, ăn mặc xuề xòa và suốt ngày phải làm lụng vất vả và phải sống chung với người đàn ông vũ phu, Ngoại tình trước mặt cô, thậm chí hắn còn làm dụng tình dục chính con gái ruột của cô.
Không chỉ có hắn bất thường, cả một ngôi làng nơi mà mẹ con Bok Nam sống cũng là những người xem phụ nữ như một công cụ tiêu khiển trong khi những người phụ nữ lớn tuổi khác thì lại cổ súy, dung túng cho những kẻ như vậy. Một ngày, mẹ con Bok Nam quyết định trốn khỏi hòn đảo nhưng không thành. Cả 2 bị bắt lại và đánh đập tàn nhẫn. Yeon Hee vì cứu mẹ nên đã chết trong lúc giằng co.
Cái chết của Yeon Hee như một cú tát làm Bok Nam thức tỉnh, đồng thời làm sống dậy phần "con" trong Bok Nam. Trước nắm mồ còn mới của Yeon Hee, Bok Nam đã gây ra vụ giết người hàng loạt ở ngôi làng để tế vong hồn con gái. Và những cảnh tượng này dưới bàn tay của Jang Chul So sẽ khiến bạn phải ám ảnh lâu dài về cái gọi là nhân tính, cái gọi là số phận của người phụ nữ đương thời.
The Silenced (2011) của đạo diễn Hwang Dong Hyuk
The Silenced được chuyển thể thành phim dựa trên câu chuyện có thật. |
The Silenced được chuyển thể thành phim dựa trên câu chuyện có thật từ tiểu thuyết cùng tên của nữ nhà văn Gong Ji Young. Vụ án này xảy ra tại trường Gwang Ju In Hwa vào những năm 2000, 4 giáo viên cùng nhân viên đã xâm hại ít nhất 8 học sinh từ 7 đến 22 tuổi. Trong số đó có trẻ mồ côi, khuyết tật và thiểu năng trí tuệ. Dù vậy, chỉ có 2 người bị tuyên án với mức án vô cùng nhẹ.
Bối cảnh của phim xoay quanh trường học nơi xảy ra những vụ lạm dụng tình dục, đường ray xe lửa và phiên tòa xét xử. Phim mở đầu bằng hình ảnh cậu bé bị xe lừa cán trong khung cảnh trời vừa hừng sáng, u ám không một bóng người. Cậu bé là nạn nhân và cũng là em trai của Min Soo (Baek Seung Hwan) - em học sinh câm điếc bị một thầy giáo xâm hại và tra tấn.
Hwang Dong Hyuk đã rất thông minh khi kể lại câu chuyện một cách chân thực dưới góc nhìn của thầy giáo Kang In Ho (Gong Yoo) - người dám đứng lên vì 3 học sinh của mình. Ngoài ra, việc đan xen những phân cảnh phạm tội xâm hại dưới lời kể của Min Soo, Yeon Do (Kim Hyun Soo) và Yuri (Jung In Seo) khiến người xem phải đau lòng, phẫn nộ thay.
Thế nhưng, câu chuyện bắt đầu trở nên tàn nhẫn hơn khi hiện thực đã đứng về phía của kẻ phạm tội. Khi mà những con chiên ngoan đạo, những người dùng tiền, quyền che đậy sự thật, cũng là lúc niềm tin về sự công bằng hoàn toàn chết đối với 3 em học sinh, đặc biệt là Min Soo - cậu bé còn không có cơ hội được nói lên suy nghĩ của mình trước tòa.
Những tưởng sự bất công tại tòa án đã là toàn bộ câu chuyện thì Min Soo - cậu bé câm điếc quyết tâm đòi công bằng cho em trai và chính mình đã giết kẻ xâm hại mình và cùng chết ở đường ray xe lửa năm nào. Sự hụt hẫng, thương xót và căm phẫn là tất cả những cảm xúc ám ảnh người xem trong một thời gian dài. Và hình ảnh cuối cùng khi Kang In Ho cầm di ảnh của Min Soo lao vào vòi rồng đang áp chế đoàn biểu tình một cách hiên ngang và không ngừng nói: "Min Soo là một đứa trẻ, em ấy không thể nói, em ấy cũng không thể nghe." đã đặt ra một vấn đề nhức nhối về hiện thực đau lòng ở Hàn.
The Silenced đã thu hút sự chú ý từ Tổng thống Lee Myung Bak, một số thẩm phán và công tố viên cao cấp. Bộ phim xứng đáng là tác phầm đầy ám ảnh và phản ánh đúng những gì đang xảy ra ở xã hội Hàn tại thời điểm đó.
Pieta (2012) của đạo diễn Kim Di Duk
Pieta của đạo diễn lừng danh Kim Di Duk đã giành được giải giải Sư tử vàng tại LHP Venice 2012. |
Vượt qua 17 tác phẩm thế giới, Pieta của đạo diễn lừng danh Kim Di Duk đã giành được giải giải Sư tử vàng tại LHP Venice 2012. Pieta là bộ phim kể về cuộc đời của kẻ cho vay nặng lãi khát máu trước và sau khi tìm được mẹ ruột của mình Kang Do ( Lee Jung Jin thủ vai).
Suốt 104 phút xem phim, khán giả sẽ phải ớn lạnh và rùng mình trước sự tàn ác của kẻ cho vay nặng lãi kia. Vì tiền, hắn sẵn sàng nghiền nát tay kẻ khác mà không chút e dè. Thế nhưng một ngày kia, hắn đã dần thay đổi vì một người tự nhận là mẹ hắn - Mi Son (Jo Min Soo).
Mặc dù trái tim độc ác không cho phép hắn chấp nhận và yêu thương một người mẹ đã từng bỏ rơi mình. Thế nhưng, sự kiên trì và tình cảm vô bờ của Mi Son đã khiến trái tim Kang Do dần dần ấm lại. Và hắn đã có sự thay đổi. Kang Do lần đầu biết yêu thương và hi vọng rằng người mẹ này sẽ không bao giờ biến mất trong cuộc đời hắn. Thì ra, khát khao ẩn sâu trong con người hắn chính là được mẹ yêu thương.
Câu chuyện nếu chỉ đến đây thôi thì có lẽ sẽ chỉ là một bộ phim cảm động về tình mẹ con bao la. Bằng khả năng biến hóa trong việc dẫn dắt mạch phim của mình, Kim Di Duk đã khiến người xem phải nghẹn ngào, thảng thốt và thậm chí ám ảnh đến cực độ sau đó. Mẹ của hắn - kẻ sát nhân đã tìm đến cái chết. Và trước nỗi buồn vô hạn, Kang Do lại tìm thấy mộ mẹ mình được chôn cạnh một nấm mổ khác. Nấm mồ đó chính là con trai khác của Mi Son, cũng là người mà ngày xưa Kang Do giết chết.
Nỗi đau mất mẹ cùng sự hụt hẫng khi biết mẹ mình có ý định trả thù đã đẩy Kang Do vào sự tuyệt vọng, vào thứ cảm giác đau hơn cả cái chết. Cuối cùng, Kang Do đã tự trói mình vào sau xe tải và cứ thế để chiếc xe kéo lê mình qua những con đường trong thành phố.
Diễn xuất tuyệt vời của Lee Jung Jin, Jo Min Soo cùng tài năng của đạo diễn bậc thầy Kim Di Duk đã tạo ra một tác phẩm đầy ám ảnh và cũng đậm tính nhân văn về cái gọi là nhân tính của con người, về thứ khát khao được yêu thương của những kẻ ngay từ đầu đã bị xã hội ruồng bỏ. Pieta đã khiến cả thế giới phải ngả mũ nể phục điện ảnh Hàn một lần nữa vì đã làm nên một tuyệt tác như vậy.
The Piper (2015) của đạo diễn Kim Gwang Tae
The Piper tuy được gắn mác phim kinh dị nhưng câu chuyện mà nó mang đến lại vô cùng đáng suy ngẫm. Truyện phim được lấy cảm hứng từ câu chuyện "Người thổi sáo thành Hamelin" và lấy bối cảnh từ những năm 50 khi chiến tranh nam bắc Triều vừa mới kết thúc.
Câu chuyện xoay quanh 2 cha con người thổi sáo (Ryu Seung Ryong) và một ngôi làng trong quá trình đạt được thỏa thuận giữa hai bên. Trên đường lên Seoul chữa bệnh phổi cho con trai, họ bị lạc một ngôi làng không hề có trên bản đồ. Vì không còn sức đi tiếp cũng như đã hết lệ phí, người thổi sáo đã xin trưởng làng ở lại một đêm. Vừa hay ngôi làng luôn bị đàn chuột từ núi tấn công nên người thổi sáo đã đề ra một thỏa thuận rằng ông sẽ dùng tiếng sáo của mình để đuổi chuột đi. Bù lại, làng phải cho 2 cha con ăn ở và nếu thành công phải cho họ ít lương thực, lệ phí lên đường.
Tuy nhiên, sau khi đuổi đàn chuột đi, trưởng thôn (Lee Sung Min) đã thất hứa và kích động người dân trong làng phản bội người thổi sáo. Từ đây, sự kì dị và bí mật về ngôi làng cũng hé lộ. Ông ta lấy một cái cớ để đuổi người thổi sáo đi và "bố thí" cho 2 nắm cơm lên đường. Không may, đứa con lại là người ăn phải nắm cơm đó rồi qua đời.
Người xem ắt hẳn sẽ không thể nào đoán được người thổi sáo đã làm gì để trả thù cho đứa con trai vô tội cũng như số phận "bị dắt mũi" của chính mình. Trong đêm trăng ảm đạm, tiếng sáo ma mị dẫn lối người thổi sáo với những vết máu, vết sơn vẽ trên mặt cùng bầy chuột khi xưa trở về làng. Và phân đoạn cuối này thật sự khiến người xem phải ớn lạnh, rùng mình và ám ảnh đến tột độ với cái kết không thể kinh khủng hơn sau đó.
The Piper là một bộ phim kinh dị tâm lí đậm tính thời sự, nhân văn đủ để khơi gợi nên sự ám ảnh, day dứt của bất kì ai xem nó qua diễn xuất tuyệt vời, góc quay sáng tạo và biên kịch thông minh.
Train to Busan (2016) của đạo diễn Yeon Sang Ho
Train to Busan có lẽ là bộ phim châu Á đầu tiên khai thác về chủ đề "Zombie". |
Train to Busan có lẽ là bộ phim châu Á đầu tiên khai thác về chủ đề đã quá quen thuộc "Zombie". Bộ phim lấy bổi cảnh thời hiện đại, khi một loại vi-rút xâm nhập vào cơ thể người và biến vật chủ thành xác sống và những hành khách trên chuyến tàu đến Busan phải cùng nhau chiến đấu để giành lấy sự sống cho bản thân mình.
Train to Busan của Yeon Sang Ho xoáy sâu vào giá trị nhân văn. |
Khác với những bom tấn về zombie như Walking Dead hay World War Z, Train to Busan của Yeon Sang Ho xoáy sâu vào mặt nhân văn, về cách mà một người đối mặt với thứ có thể giết mình bất cứ lúc nào.Bộ phim xoay quanh một nhóm người cùng nhau vượt qua những nguy hiểm trên chuyến tàu. Trong số đó có Bà bầu, người già, trẻ em, những cầu thủ bóng chày, tài phiệt, người dân bình thường và ăn xin. Và qua từng phút giây hồi hộp đến nghẹt thở, bạn sẽ dần nhận ra được bản chất thật của con người cũng như những điều tốt đẹp dù đang trong tình cảnh nguy hiểm.
Ngoài ra, ở Train to Busan còn ẩn chứa những giá trị tốt đẹp về sự tương quan giữa các mối quan hệ trong xã hội như tình bằng hữu, tình yêu, tình cảm gia đình hay chỉ đơn giản là tình người, để rồi từng thước phim cứ dần dần khiến bạn phải ám ảnh và bật khóc. Khoảnh khắc khi từng người một phải hi sinh vì để bảo vệ người mà họ yêu thương nhất sẽ còn mãi lưu lại trong lòng người xem một cách ám ảnh và tàn nhẫn.
Sẵn sàng hi sinh vì người thân. |
Có thể nói rằng, Yeon Sang Ho đã quá thành công trong việc tạo tính thời sự và xây dựng hình tượng tương phản cho bộ phim. Kẻ bị xã hội ruồng bỏ, chà đạp đôi khi là một anh hùng trong khi người có tiền, có quyền đôi khi không khác gì kẻ ích kỉ, tiểu nhân. Sự tương phản này góp phần làm cho Train to Busan trở thành một tác phẩm đáng xem và suy ngẫm chứ không phải một bộ phim zombie thuần túy dùng hình ảnh, âm thanh để dọa khán giả.
Train to Busan với sự tham gia của Gong Yoo, Jung Yu Mi, Ma Dong Seok, Kim Soo Ahn và Kim Eui Sung đã trở thành một trong những bộ phim ăn khách nhất màn ảnh Hàn khi thu hút 10 triệu người xem. Được biết, Mĩ đang suy nghĩ về việc mua bản quyền và làm lại tác phẩm này.
Goksung (The Wailing) (2016) của đạo diễn Na Hong Jin
The Wailing gần đây là một hiện tượng của màn ảnh rộng xứ Hàn. |
The Wailing (Tiếng khóc) của đạo diễn Na Hong Jin gần đây là một hiện tượng của màn ảnh rộng xứ Hàn khi nhận được nhiều lời khen từ người xem lẫn giới chuyên môn. Với cốt truyện hấp dẫn, có tính nhân văn và cách dẫn dắt tài tình cùa đạo diễn Na Hong Jin, The Wailling được LHP Cannes chọn trình chiếu ở hạng mục không tranh giải năm nay.
Cảnh sát vào cuộc. |
Câu chuyện bắt đầu tại một ngôi làng nhỏ hẻo lánh. Một ngày nọ, dân làng đột nhiên mắc phải căn bệnh bí ẩn sau khi có người đàn ông lạ (Hwang Jung Min) dọn đến sống trong làng. Trong khi cảnh sát khẳng định rằng dân làng bị ngộ độc nấm thì đội trường Jong Goo (Kwan Do Won) lại tìm được đầu mối từ một người phụ nữ kì quái (Cheon Woo Hee) trong làng.
Con gái Jong Goo mắc phải triệu chứng giống người trong làng. |
Thoạt đầu, Jong Goo không hề tin vào những gì mà người phụ nữ kia nói. cho đến khi con gái anh mắc phải triệu chứng giống người trong làng. Hoang mang trước lời đồn, anh buộc phải gửi con cho một thầy trừ tà và tự mình đi tìm chân tướng.
Một buổi lễ trừ tà. |
Với cách dàn dựng sáng tạo và logic, The Wailing của Na Hong Jin đưa khán giả đi từ bất ngờ ngày sang bất ngờ khác. Yếu tố rùng rợn và kinh dị tâm lí cũng được đan xen để phim kịch tính hơn. Xem The Wailing, chính khán giả sẽ bị cuốn đi theo những tình tiết của bộ phim và khi biết được sự thật, bất kì ai cũng phải bất ngờ, rùng mình.
The Wailing cùng Na Hong Jin được đánh giá là một trong những bộ phim "thriller" đầy ám ảnh hay nhất xứ Hàn hiện nay khi nó có thể khiến bạn run sợ, hồi hộp, bất ngờ và vỡ òa trong cảm xúc trước thông điệp mà nó mang lai.
Hoàng Nguyễn (tổng hợp)