Trung Quốc đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong mọi mặt của lĩnh vực quân sự. Tàu ngầm hạt nhân, tàu ngầm thông thường, không quân, hải quân... đều đang khiến Mỹ phải giật mình.
Một báo cáo dài 631 trang do Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung (USCC) đã chỉ ra một số đặc điểm của quân đội Trung Quốc. Trong bài viết đăng trên trang National Interest, tác giả Harry J.Kazianis đã điểm ra một số đặc điểm đáng quan tâm nhất.
Quân đội Trung Quốc trong một buổi lễ diễu binh. Ảnh: Getty |
1. Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc đang được cải tiến
"Truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này đã cho ra mắt 3 tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Shang Type 093 mới vào tháng 5. Những tàu ngầm mới được báo cáo là tàu lớn Shang đầu tiên có hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng, có thể bắn được tên lửa hành trình chống tàu tầm xa YJ-18. Sự gia tăng về số lượng tàu ngầm và phát triển các loại vũ khí phóng từ tàu ngầm của Trung Quốc sẽ làm phức tạp môi trường đe dọa đối với các tàu của Mỹ đang hoạt động gần Trung Quốc".
2. Tàu ngầm diesel của Trung Quốc ngày càng nguy hiểm
"Vào tháng 5, một bài báo đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc tuyên bố nước này đã phát triển một hệ thống động cơ đẩy khí độc lập (AIP) hiệu quả cao cho các tàu ngầm điện diesel. Bởi các tàu ngầm điện diesel trang bị AIP không cần nổi lên để sạc pin thường xuyên nên điều này cho phép các tàu trang bị AIP của Trung Quốc hoạt động lâu hơn trong khi hạn chế bị phát hiện".
3. Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 của Trung Quốc
"Truyền thông cho rằng Trung Quốc đã sản xuất 2 chiến đấu cơ tàng hình J-20 thế hệ thứ 5, nâng phi đội J-20 của mình lên 6 máy bay. 2 máy bay này được báo cáo là đã thực hiện các chuyến bay đầu tiên vào cuối năm 2014.
J-20 có thể đi vào hoạt động vào năm 2017-2018 và Trung Quốc hy vọng sẽ sản xuất được 24 chiếc J-20 vào năm 2020.
Không quân PLA xem J-20 là chìa khóa để cải thiện khả năng phát động các cuộc tấn công, ngăn không cho kẻ thù có cơ hội huy động lực lượng phòng thủ.
Các đặc điểm tàng hình và khả năng tác chiến điện tử của J-20 sẽ làm suy giảm khả năng của quân đội Mỹ tại chuỗi đảo đầu tiên bị nó phát hiện và tấn công".
4. Hải quân Trung Quốc (PLAN) muốn tiến xa hơn trên đại dương
"Vào cuối năm 2013, Trung Quốc bắt đầu triển khai tàu ngầm lần đầu được biết đến của mình tới Ấn Độ Dương. Các quan chức Trung Quốc tuyên bố những tàu ngầm này hỗ trợ cho hoạt động chống cướp biển của họ tại Ấn Độ Dương. Mặc dù vậy, mục đích của việc triển khai có thể nhiều hơn, đó là: thu thập tin tình báo của Mỹ, Ấn Độ và các lực lượng khác trên Ấn Độ Dương; thử nghiệm và nâng cao khả năng hoạt động trong một thời gian dài, ở khoảng cách xa đại lục của thủy thủ đoàn; chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra và các hoạt động thời chiến trên Ấn Độ Dương; và cuối cùng là chứng minh lợi ích chiến lược đang phát triển của Trung Quốc tại khu vực này".
5. Hợp đồng mua S-400 từ Nga (và có thể tự sản xuất ra vũ khí này)
"Trung Quốc sẽ mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga, theo một tuyên bố từ giám đốc điều hành Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport hồi tháng 4/2015. Trung Quốc đã ký một hợp đồng mua S-400 vào năm 2014. Các nhà phân tích nói rằng hợp đồng này bao gồm 4-6 hệ thống với tổng trị giá 3 tỷ USD. S-400 sẽ mở rộng phạm vi của lực lượng tên lửa đất đối không của Trung Quốc từ 300 km lên 400 km - đủ để bao phủ toàn bộ Đài Loan, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông và các khu vực Biển Đông - và khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo sẽ được cải thiện qua các hệ thống tên lửa đất đối không hiện có của Trung Quốc. Trung Quốc cũng đang phát triển tên lửa đất đối không thế hệ tiếp theo của mình - HQ-19. Tên lửa này có khả năng giống như S-400".
(còn nữa)
Bảo Linh (theo National Interest)