Theo Reuters, nghị quyết về Covid-19 sẽ được đẩy mạnh vào ngày mai, 19/5 nếu nhận được ủng hộ từ 2/3 trong số 194 nước thành viên của hội đồng. Lời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về đại dịch Covid-19 được Australia đưa ra hồi tháng trước và đã bị Trung Quốc phản đối kịch liệt.
Đến nay, 116 nước thành viên đã ủng hộ nghị quyết. Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra và bà không muốn nói trước kết quả. Nghị quyết là "một phần quan trọng trong cuộc đối thoại mà chúng tôi đã bắt đầu và tôi rất biết ơn những nỗ lực của các nước EU và những người soạn thảo đã tham gia vào cuộc đàm phán trong những tuần qua", bà Payne nói với phóng viên. Đây là một nghị quyết toàn diện, nó bao gồm lời kêu gọi "kiểm tra về nguồn gốc động vật của virus corona".
116 quốc gia trong Đại hội đồng Y tế Thế giới ủng hộ đề xuất điều tra virus corona của Australia. Ảnh: Reuters
Hơn 4,64 triệu người bị nhiễm Covid-19 và 310.236 người đã tử vong vì virus giống như cúm xuất hiện tại Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Australia, chỉ báo cáo 99 ca tử vong, cho biết họ muốn ngăn chặn đại dịch một lần nữa làm tê liệt hoạt động kinh tế trên toàn thế giới và không muốn đổ lỗi. "Tôi hy vọng Trung Quốc sẽ tham gia", Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham tuyên bố.
Trong số những nước ủng hộ nghị quyết có Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhóm 47 nước thành viên châu Phi, Nga, Indonesia, Arab Saudi, Anh và Canada. Nghị quyết kêu gọi "các nhiệm vụ trong lĩnh vực hợp tác và khoa học" để theo dõi đường lây truyền của virus, điều này sẽ làm giảm nguy cơ xảy ra các sự kiện tương tự. Nó cũng nói rằng cần làm một đánh giá vào thời điểm thích hợp sớm nhất. Một số quốc gia vẫn phải chịu số ca tử vong vì Covid-19 hàng ngày cao thì cho rằng còn quá sớm đến điều tra. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern phát biểu tại một cuộc họp báo rằng "sau một sự kiện quan trọng như thế này, việc chúng ta muốn điều tra những gì cần rút ra từ trải nghiệm này là điều tự nhiên".
Ông Birmingham cho biết ông không thể sắp xếp một cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Zhong Shan để thảo luận về những xung đột thương mại. Theo đó, Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu thịt bò của Australia và thực hiện một cuộc điều tra bán phá giá lúa mạch của Australia mà có thể áp thuế lên đến 80%. Bộ trưởng Nông nghiệp Australia David Littleproud cho biết ông chưa nhận được hồi đáp cho yêu cầu điện đàm từ người đồng cấp Trung Quốc.
Tại Bắc Kinh, ông Zhong cho biết 2 nước đã liên lạc với nhau. Tháng trước, đại sứ Trung Quốc tại Australia cảnh báo về việc người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay nếu Canberra theo duổi một cuộc điều tra. Điều này khiến các bộ trưởng Australia cáo buộc Trung Quốc "cưỡng chế kinh tế".