Tin mới

2 nơi trong nhà virus corona bám lại nhiều nhất

Thứ năm, 05/03/2020, 11:47 (GMT+7)

Bệnh nhân nhiễm coronavirus (Covid-19) sẽ làm nhiễm virus ra phòng ngủ và phòng tắm của họ. Do đó, việc vệ sinh các bề mặt, bồn rửa, bồn cầu là cực kỳ cần thiết.

Việc lau chùi các bề mặt là vô cùng quan trọng trong việc phòng Covid-19. Ảnh: AFP

Phát hiện mới này do các nhà khoa học Singapore công bố hôm 4/3. Mặt khác, virus corona có khả năng bị tiêu diệt bằng việc làm sạch bề mặt 2 lần/ngày và làm sạch sàn hàng ngày bằng các chất khử trùng phổ biến. Điều đó cho thấy các biện pháp khử trùng hiện tại là đủ để bảo vệ nếu mọi người tuân thủ.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) và được thực hiện sau khi các ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc lây nhiễm cho hàng chục nhân viên y tế và các bệnh nhân khác. Điều này khiến các nhà khoa học tin rằng ngoài việc lây truyền qua ho, hắt hơi, sự lây nhiễm môi trường cũng là yếu tố quan trọng trong việc truyền bệnh. Tuy nhiên, mức độ của con đường lây nhiễm này không rõ ràng.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Quốc gia và Phòng thí nghiệm Quốc gia DSO đã xem xét 3 bệnh nhân được cách ly trong các phòng từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2. Họ thu thập các mẫu từ phòng của họ trong 5 ngày trong khoảng thời gian hai tuần.

Phòng của một bệnh nhân đã được lấy mẫu trước khi vệ sinh định kỳ trong khi phòng của 2 người còn lại được lấy mẫu sau khi thực hiện khử trùng. Bệnh nhân có phòng được lấy mẫu trước khi làm sạch có các triệu chứng nhẹ nhất trong 3 người, chỉ biểu hiện ho. Hai người còn lại có biểu hiện vừa phải: cả hai đều ho và sốt, một người khó thở, người kia bị ho ra chất nhầy ở phổi.

Dù chênh lệch như vậy nhưng bệnh nhân có phòng được lấy mẫu trước khi làm sạch đã làm ô nhiễm cho 13/15 vị trí được kiểm tra trong phòng, bao gồm: ghế, thành giường, cửa sổ, sàn nhà, công tắc đèn. 3/5 vị trí trong nhà vệ sinh cũng bị nhiễm virus gồm bồn rửa, tay nắm cửa và bồn cầu, nhiều bằng chứng cho thấy phân có thể là đường lây nhiễm.

Các mẫu không khí được xét nghiệm âm tính, nhưng không khí ở lỗ thông hơi lại dương tính. Điều này cho thấy các giọt chứa virus có thể được những luồng không khí mang theo và đọng lại trên các lỗ thông hơi.

"Sự ô nhiễm môi trường đáng kể do bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 gây ra thông qua những giọt hô hấp và chất thải từ cơ thể cho thấy môi trường dường như là một phương tiện lây bệnh tiềm năng. Vì vậy, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt việc vệ sinh môi trường và rửa tay", các tác giả nghiên cứu cho biết.

Covid-19 được phát hiện lần đầu tiên tại tỉnh Hồ Bắc vào tháng 12/2019 hiện đã khiến hơn 95.000 người nhiễm tại 81 quốc gia, vùng lãnh thổ và khiến hơn 3.200 người tử vong. WHO ngày hôm qua tuyên bố tỷ lệ tử vong do Covid-19 gây ra là 3,4%, cao hơn so với con số ước tính trước đó.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news