Cụ thể, bệnh viện Nhân dân Thái Châu, Giang Tô đã tìm thấy một bệnh nhân nữ có nhóm máu Rhnull sau làm xét nghiệm nhóm máu và kháng thể. Chị gái của người này sau đó được làm xét nghiệm và cũng cho ra kết quả nhóm máu hiếm.
Kể từ lần đầu tiên một phụ nữ Australia được xác định có nhóm máu Rhnull vào năm 1961, cho đến nay có chưa đến 50 người trên toàn thế giới, trong đó có 4 người tại Trung Quốc sở hữu nhóm máu này. Rhnull được gọi là "máu vàng" bởi nó còn quý hơn cả nhóm máu Rh- (gọi là "máu gấu trúc).
Ngay sau khi được chia sẻ lên Weibo, hashtag "Hai người được tìm thấy có nhóm máu hiếm nhất ở Giang Tô của Trung Quốc" đã trở thành chủ đề thịnh hành. CDM Trung Quốc ngạc nhiên trước sự khan hiếm của nhóm máu này và bày tỏ lo lắng về tình trạng thiếu máu trầm trọng của người phụ nữ.
Những người có nhóm máu Rhnull không có kháng nguyên Rh trên các tế bào hồng cầu, họ có thể truyền máu cho những người có bất kỳ nhóm máu nào khác mà không có phản ứng đào thải. Nhưng đồng thời, do sở hữu nhóm máu cực hiếm nên điều này có thể gây khó khăn, thậm chí là không thể nhận máu hoặc cấy ghép nội tạng từ người khác.
Nhóm máu Rhnull
Rhnull là nhóm máu hiếm nhất trái đất. Không giống như các nhóm máu khác, những người có nhóm máu Rhnull không có kháng nguyên Rh trên tế bào hồng cầu. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng 6 triệu người mới có 1 người sở hữu nhóm máu Rhnull.
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe phân loại nhóm máu dựa trên sự hiện diện hoặc không có kháng nguyên, là các protein gắn vào các tế bào hồng cầu.
Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ định nghĩa một nhóm máu là "hiếm" khi tỷ lệ là 1/1.000. Như vậy, Rhnull là cực kỳ hiếm với tỷ lệ 1/6.000.000.
Có nhóm máu hiếm có thể gây khó khăn hoặc thậm chí không thể truyền máu hoặc cấy ghép nội tạng. Nó cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác. Ví dụ, nếu máu của họ không tương thích với thai nhi đang phát triển, phụ nữ mang thai có nhóm máu hiếm có thể gặp biến chứng. Một phụ nữ Iran có nhóm máu Rhnull đã bị sảy thai vài lần.
Hầu hết các nhóm máu thuộc một trong 4 nhóm máu, tùy thuộc vào việc chúng có chứa kháng nguyên A hay B. Ví dụ, những người có kháng nguyên A có nhóm máu A, trong khi những người có kháng nguyên B có nhóm máu B. Những người có cả kháng nguyên A và B có nhóm máu AB, trong khi những người không có kháng nguyên trên tế bào hồng cầu của họ có nhóm máu O.
Ngoài nhóm máu, một người cũng có thể mang yếu tố Rh trên các tế bào hồng cầu của họ. Một người không có yếu tố Rh có nhóm máu Rh-, trong khi người mang nó có nhóm máu Rh +. Ví dụ, một người có nhóm máu AB và yếu tố Rh thì nhóm máu là AB +.
Một số người, kể cả những người có nhóm máu Rhnull, thiếu một hoặc nhiều kháng nguyên thông thường. Có trên 30 nhóm máu và hơn 600 kháng nguyên đã được biết đến.
Trên khắp thế giới, nhóm máu O là phổ biến nhất, chiếm khoảng 63% dân số. Nhóm máu B là ít phổ biến nhất, chỉ có khoảng 16% dân số thế giới.
(Theo Global Times)