Từ lâu nghệ được cho là một loại gia vị cho nhiều món ăn của người Việt. Nghệ có nhiều loại nhưng thông dụng nhất là củ nghệ vàng. Trong nghệ chứa các hợp chất hoạt tính sinh học gọi là curcuminoids, trong đó hoạt chất nhiều nhất là curcumin. Curcumin là một polyphenol chịu trách nhiệm tạo ra màu vàng tươi của nghệ.
Curcumin có hoạt tính như một kháng sinh, tác dụng chống viêm rất mạnh. Theo nhiều nghiên cứu, curcumin có thể kiểm soát một số tình trạng viêm, viêm khớp, hội chứng chuyển hóa, kể cả tình trạng lo lắng và tăng lipid máu. Nghệ có vô vàn lợi ích tốt cho sức khỏe như: giúp ngăn ngừa bệnh trầm cảm, điều trị bệnh tiểu đường loại 2, phòng chống nhiều loại viruts gây hại cho cơ thể,...
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích của nghệ thì việc lạm dụng nhiều nghệ cũng không hề tốt cho sức khỏe.
- Các vấn đề về tiêu hóa
Mọi người có thể gặp các vấn đề tiêu hóa nhẹ như chướng bụng, trào ngược axit, đầy hơi, tiêu chảy với liều hàng ngày 1000mg. Ở liều 450 mg hoặc cao hơn có thể gây đau đầu, buồn nôn.
- Phát ban da
Tình trạng phát ban trên da sau khi dùng liều 8.000 mg curcumin hoặc hơn, nhưng điều này dường như rất hiếm.
- Nguy cơ hình thành sỏi thận
Củ nghệ chứa khoảng 2% oxalat. Ở liều lượng cao những oxalat này liên kết với canxi để tạo thành canxi oxalat không hòa tan là nguyên nhân chính gây ra sỏi.
- Nguy cơ thiếu sắt
Tiêu thụ nghệ quá mức có thể ức chế sự hấp thụ sắt. Vì vậy, những người bị thiếu sắt cần lưu ý không nên bổ sung quá nhiều nghệ trong bữa ăn hàng ngày, vì nó có thể làm giảm khả năng hấp thụ sắt của cơ thể.
Dùng bao nhiêu nghệ là đủ?
Không có khuyến cáo chính thức nào về việc sử dụng nghệ và mức dung nạp tối đa cũng chưa được xác định. Tuy nhiên, theo nguyên tắc chung, bạn không nên dùng quá liều lượng khuyến nghị trên nhãn phụ. Mặt khác, có một số hướng dẫn chính thức về việc sử dụng curcumin.
Ảnh minh họa.